Multimedia Đọc Báo in

Khi xảy ra tai nạn với người lao động - Cần quan tâm hơn đến chính sách bảo hiểm xã hội

12:20, 22/08/2018

Tai nạn lao động (TNLĐ) sẽ xảy ra hệ lụy khó lường nếu người lao động không được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Quy định này áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng còn rất nhiều người lao động chưa được chủ sử dụng lao động đóng bảo BHXH theo quy định. Theo thống kê đến cuối năm 2017, cả nước mới có 35% người lao động trong độ tuổi lao động được tham gia BHXH; tỷ lệ này tại Đắk Lắk còn thấp hơn rất nhiều: trên 15%.

Năm 2017, cả nước có trên 3.800 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp, tăng 500 trường hợp so với năm 2016. Đáng lưu ý, năm 2017 cả nước xảy ra gần 9.000 vụ TNLĐ làm 928 người chết và gần 2.000 người bị thương nặng; so với năm 2016, số vụ TNLĐ ở khu vực có hợp đồng lao động tăng 2%, số người bị TNLĐ tăng 1%. Trên địa bàn Đắk Lắk có khoảng 5.870 doanh nghiệp, hợp tác xã còn hoạt động.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 năm (2011-2016), trên địa bàn tỉnh xảy ra 94 vụ TNLĐ làm 38 người chết, 29 người bị thương nặng. Đây chỉ là con số chưa đầy đủ, bởi hằng năm Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đều yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động (trong đó có TNLĐ) nhưng chỉ khoảng 2% doanh nghiệp chấp hành. Công tác quản lý nhà nước như: thanh tra, kiểm tra chưa được thường xuyên, chưa đúng trọng điểm; việc xử lý vi phạm còn chậm, thậm chí không cương quyết; việc không đóng, trốn đóng và chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động còn diễn ra phổ biến dù đến nay đã có nhiều biện pháp đề ra như xử phạt vi phạm hành chính, khởi kiện ra tòa theo Luật Dân sự, thậm chí đã hình sự hóa các hành vi này (song các biện pháp này đến nay vẫn chưa thực hiện được vì còn nhiều vướng mắc, cơ quan thực hiện đang chờ văn bản hướng dẫn thực hiện từ các cơ quan trung ương).

Có thể nói, hệ lụy của TNLĐ để lại hậu quả rất lớn cho gia đình và xã hội. TNLĐ cướp đi sinh mệnh của những người là trụ cột trong gia đình, dẫn đến cuộc sống bị đảo lộn, thu nhập bị giảm sút và có thể rơi vào tình trạng đói nghèo. Chủ sử dụng lao động cũng phải chịu thiệt hại do tốn kém chi phí y tế, giám định thương tật, bồi thường, trợ cấp cho người bị TNLĐ; đó còn chưa kể đến uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng xấu, hoạt động sản xuất bị gián đoạn do phải ngừng việc để khắc phục hậu quả, mất thời gian việc phục vụ kiểm tra chất lượng máy móc, nguyên nhân bị nạn, doanh nghiệp thua lỗ…

Nếu người lao động được tham gia BHXH mà không may xảy ra TNLĐ, họ được hưởng chế độ TNLĐ. Sau khi được xác định TNLĐ và được Hội đồng giám định y khoa xác định suy giảm khả năng lao động từ 5 - 30% thì được hưởng trợ cấp một lần, từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng, nếu người lao động bị chết thì thân nhân của họ được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất bằng 10 lần mức lương cơ sở theo quy định của Luật BHXH.

Theo quy định tại Nghị định số 37/2016/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1-7-2016 chủ sử dụng lao động bắt buộc phải đóng bảo hiểm TNLĐ cho người lao động nhằm bảo đảm đời sống của những lao động rủi ro bị TNLĐ. Để quy định này được thực hiện hiệu quả, các cấp ngành phải vào cuộc một cách quyết liệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp vi phạm, xử phạt một cách nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Làm tốt những việc này sẽ góp phần hạn chế những hệ lụy khó lường, bảo đảm quyền lợi cho người lao động nếu không may xảy ra TNLĐ.

Nguyễn Thị Xuân

(Phó Giám đốc BHXH tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.