Multimedia Đọc Báo in

Những người thầy đam mê viết báo

15:49, 25/06/2019

Ngày ngày đứng trên bục giảng truyền đạt tri thức đến học sinh song những người thầy giáo ấy còn có niềm đam mê viết báo. Những thông tin của địa phương, đơn vị mình đã họ được chuyển tải đến bạn đọc qua những bài viết mang đậm hơi thở cuộc sống.

Xuất phát từ thực tiễn khi công tác giáo dục ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thầy Vũ Đình Tùng (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 2, huyện Krông Bông) sớm kiêm thêm “nghề báo” để nói lên những khó khăn, trăn trở của ngành Giáo dục. Không được đào tạo báo chí bài bản, cũng không phải là phóng viên, song thầy Tùng đã gắn bó với nghề báo không chuyên với bút danh “Tùng Lâm” gần 20 năm nay. Thầy Tùng chia sẻ, thứ duy nhất thầy mang theo trong hành trình làm báo chính là niềm đam mê. Đây là động lực giúp thầy chu toàn công việc trên trường, có thời gian đi cơ sở thu thập tư liệu viết bài.

Thầy Vũ Đình Tùng (thứ hai, từ phải sang) trong một lần tác nghiệp.
Thầy Vũ Đình Tùng (thứ hai, từ phải sang) trong một lần tác nghiệp.

Với thầy, kỷ niệm nhớ nhất trong cuộc đời làm báo là khi viết về cuộc đoàn tụ đầy hạnh phúc của một Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng ở xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông) với người con gái thất lạc gần 40 năm tại tỉnh Đắk Nông. Chứng kiến giây phút đoàn tụ đầy xúc động ấy, thầy Tùng đã thể hiện trọn vẹn cuộc gặp gỡ bằng câu từ gần gũi, thân thương nhất đăng trên Báo Đắk Lắk Nguyệt san năm 1998. “Thời ấy chưa có máy tính hay thư điện tử... tôi phải viết bài trên giấy, chụp ảnh bằng máy cơ, mang ra tiệm rửa rồi mới gửi bưu điện lên tòa soạn. Tác phẩm được đăng khiến lòng vui khó tả. Đến nay dù đã viết nhiều tác phẩm báo chí với nhiều sự kiện, đối tượng khác nhau, tôi vẫn không quên kỷ niệm trong chuyến tác nghiệp viết về cuộc sum họp ấy. Rất tiếc sự việc diễn ra gần 20 năm, bà ấy đã về với Đất mẹ, tôi lại không giữ được tờ báo đầu tay đó", thầy Tùng tâm tình.

Quá trình tác nghiệp, thầy Tùng cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là thuyết phục nhân vật đồng ý lên báo. Dù những đề tài thầy viết chủ yếu là tuyên truyền gương phát triển kinh tế, người tốt việc tốt nhưng không phải ai cũng mở lòng chia sẻ. Đơn cử như để nhân vật trong bài “Thu lợi hơn 1 tỷ đồng từ chăn nuôi heo” đăng trên Báo Đắk Lắk ngày 16-4-2019 chia sẻ thông tin, thầy Tùng phải nhiều lần làm công tác tư tưởng, giải thích cho nhân vật hiểu giá trị của sự “chia sẻ”.

Thầy Lương Văn Hà, Bí thư Đoàn Trường THPT Thực hành Cao Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) dù tham gia viết báo chưa lâu (khoảng 5 năm) nhưng trong những năm qua, sự kiên trì với đam mê của mình đã giúp thầy có những tác phẩm ngày càng chất lượng hơn. Các lĩnh vực thầy thường chọn để viết là các đề tài nghiên cứu khoa học, các biện pháp giáo dục học sinh, hướng nghiệp cho thế hệ trẻ... Nhiều học sinh nhờ áp dụng một số phương pháp học tập do thầy hướng dẫn mà đã đạt được một số thành công trong học tập. Thầy Hà tâm sự, trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thầy đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng dạy và học nên muốn chia sẻ với học sinh, giáo viên và báo chí chính là phương tiện hữu hiệu nhất để truyền thông tin đến độc giả. Trở ngại lớn nhất của thầy là chưa được trải qua lớp đào tạo về nghiệp vụ báo chí, chưa nắm bắt được những định hướng của tòa soạn, quỹ thời gian còn hạn hẹp nên đề tài và số lượng tác phẩm còn hạn chế, nhưng niềm đam mê viết báo đã giúp thầy dần khắc phục và học hỏi thêm kinh nghiệm trong nghề viết.

Thầy Lương Văn Hà (bìa trái).
Thầy Lương Văn Hà (bìa trái).

Tốt nghiệp Sư phạm Ngữ văn Trường Đại học Tây Nguyên năm 2008, thầy Đoàn Văn Hân về nhận công tác tại Trường THPT Trần Quốc Toản (huyện Ea Kar). Đam mê viết báo khi còn là sinh viên là động lực giúp thầy cộng tác thường xuyên với Báo Đắk Lắk. Các bài viết của thầy chủ yếu là giới thiệu những tấm gương nhà giáo nhiệt huyết trong sự nghiệp trồng người, những học sinh học giỏi, học sinh nghèo hiếu học... Thầy Hân còn là người biên tập, viết bài, đưa tin lên website của nhà trường, kịp thời cập nhật những thông tin bổ ích, thiết thực như: các văn bản luật, các chế độ chính sách, các tài liệu ôn thi... cho giáo viên và học sinh.

Huỳnh Thủy - Vàng A Hiệp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.