Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về một cán bộ ngành Điện đăng ký hiến tạng

17:48, 26/08/2019

Ai cũng cảm phục khi biết chuyện anh Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Điện lực Ea Súp đã đăng ký hiến tạng để phục vụ việc cứu chữa người bệnh. Bản thân anh cũng đã có những chia sẻ đầy tích cực với mong muốn nhiều người biết đến việc hiến mô, tạng và cùng tham gia để có thêm hy vọng cứu sống được nhiều người bệnh hơn nữa.

Nghe và đọc những câu chuyện truyền cảm hứng trong cộng đồng, suy nghĩ muốn hiến một phần cơ thể phục vụ cho việc cứu chữa người bệnh ngày càng lớn dần trong suy nghĩ của anh Sỹ. Tuy không theo một tôn giáo nào nhưng bản thân anh luôn suy nghĩ rằng giá trị cuộc sống của con người đều có được lúc còn thở, còn cống hiến, còn một khi đã chết đi thì “cát bụi cũng trở về với cát bụi”.  Anh quan niệm, nếu bản thân mình không may qua đời, thân thể vốn cũng chỉ là nơi tạm bợ sẽ vùi chôn dưới ba tấc đất trong khi nhiều người cần đến những bộ phận ở cơ thể ta, vậy sao không cho đi?

Anh Nguyễn Văn Sỹ.
Anh Nguyễn Văn Sỹ.

Ấp ủ dự định hiến tạng nhưng hiện thực hóa nó cũng không phải dễ dàng, nhất là việc vận động người thân và gia đình ủng hộ, đồng cảm với quyết định của mình. Ban đầu, khi nghe anh thuyết phục, vợ anh tuy không phản đối song vẫn còn nhiều băn khoăn. Chị e dè bởi quan niệm rằng khi chết cơ thể vẫn bị mổ xẻ, chết mà hình hài không được nguyên vẹn thì không hay.

Anh cũng hiểu, những người còn nặng quan niệm truyền thống như anh và vợ, tư tưởng vẫn chưa thể đổi mới hoàn toàn trong ngày một ngày hai. Hơn nữa, đây cũng là một việc làm nghe có vẻ phức tạp khi ở Đắk Lắk hiện vẫn chưa phổ biến việc hiến tạng, muốn thực hiện cũng chưa có người hướng dẫn cụ thể. Anh kiên nhẫn thuyết phục vợ. Sau này, chính chị cũng dần hiểu, thậm chí còn cùng anh tham gia hiến tạng. Khi đã quyết định, vợ chồng anh thông báo cho hai con được biết ý nguyện của bố mẹ.

Để thực hiện các bước tiếp theo của việc hiến tạng, anh Sỹ lên mạng tìm kiếm thông tin và liên lạc với Trung tâm Điều phối ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy để làm thủ tục. Công việc này ban đầu tưởng chừng phức tạp nhưng lại rất nhanh chóng. Qua điện thoại, anh Sỹ và vợ được nhân viên tư vấn hướng dẫn các thủ tục mà không cần đến trực tiếp. Mẫu đơn đăng ký được scan và gửi qua bưu điện, chỉ ít ngày sau khi gửi, vợ chồng anh đã nhận được thẻ hiến tạng từ Trung tâm điều phối ghép tạng vào đầu tháng 5-2019.

Cả hai vợ chồng anh Sỹ đều đã bước qua tuổi 50. Có thể nhiều người sẽ nghĩ, ở tuổi này đã quá già để thực hiện hiến tạng nhưng anh lại cho rằng, quan trọng là cơ thể mình khỏe mạnh và mình có tinh thần muốn chia sẻ cùng cộng đồng. Hiện nay, việc tham gia hiến tạng không quy định độ tuổi. Dù những người trẻ tuổi ngày càng đăng ký nhiều hơn nhưng không có nghĩa những người ở độ tuổi 50, 60 thậm chí cao hơn không thể góp phần vào đó. Đối với y học nói chung và việc cứu chữa người bệnh nói riêng, chưa bao giờ có giới hạn này. Đây cũng là “kinh nghiệm” đầu tiên có được khi anh Sỹ tham gia hiến tạng.

Anh Sỹ cũng chia sẻ thêm, kể từ sau khi tham gia đăng ký hiến tạng, anh và vợ càng yêu quý cơ thể mình hơn, sống tích cực, giữ gìn sức khỏe và tinh thần luôn thoải mái, yêu đời. Dù không mong nhận lại được gì cho bản thân khi đăng ký hiến tạng song anh cho rằng chính những chuyển biến tích cực trong tâm lý, lối sống đã là “quả ngọt” mà anh được nhận rồi. Với những ai đang có ý định tham gia hiến tạng, anh Sỹ chỉ có một lời khuyên nhỏ là cần phải giữ vững lập trường và bước qua định kiến từ gia đình, những người xung quanh.

Hương Cẩm


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.