Multimedia Đọc Báo in

Tết về bên nồi bánh chưng xanh

07:24, 29/01/2020

Từ 20 tháng Chạp trở đi, không khí Xuân đã rộn rã với muôn người, muôn nhà. Tại xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ), dù bộn bề với trăm công ngàn việc, nhưng bà con vẫn giữ được nếp văn hóa truyền thống của dân tộc là gói bánh tét, bánh chưng.

Trân quý giá trị truyền thống

Thôn Bình Minh 6, xã Bình Thuận có khoảng 90% người dân ở tỉnh Thái Bình vào sinh sống, lập nghiệp. Không chỉ chịu thương, chịu khó làm ăn, hầu như mọi gia đình đều giữ truyền thống nấu bánh chưng ngày Tết để hương Xuân thêm đậm đà.

Gia đình ông Hoàng Ngọc Luận gói bánh ngày Tết.
Gia đình ông Hoàng Ngọc Luận gói bánh ngày Tết.

Khoảng 25 tháng Chạp, căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Trịnh Minh Điềm (thôn Bình Minh 6) nhộn nhịp, đông vui hơn. Suốt 30 năm qua, vào dịp này gia đình ông vẫn duy trì nếp quây quần gói bánh để chưng cỗ ngày Tết và làm quà biếu cho người thân, bạn bè. Quen việc gói bánh từ năm 16 tuổi do ông cha truyền lại, hơn ai hết, ông Điềm quý trọng và luôn cố gắng gìn giữ giá trị truyền thống. Hiểu rõ điều đó nên cứ đến dịp, con cháu ông đều gác lại mọi công việc bộn bề cuối năm để tụ tập về rất đông vui. Ông bà tỉ mỉ chuẩn bị các nguyên liệu, còn con cháu tham gia các công đoạn như lau lá, vo gạo, buộc lạt, nấu bánh. Suốt nhiều giờ đồng hồ, cả nhà quây quần vừa làm việc, vừa nói cười rôm rả. Những câu chuyện về Tết xưa qua lời ông bà kể là cách để nuôi dưỡng tâm hồn con cháu. Nhờ đó, hầu hết các thành viên trong gia đình càng thành thạo và trân quý công việc này, vì nó không đơn thuần là gói bánh, mà hơn hết là một nét đẹp văn hóa ngày xuân.

Ở xã Bình Thuận, hầu như nhà nào cũng biết gói bánh chưng và thường chỉ gói vào dịp Tết. Tuy nhiên, cũng có gia đình chọn đây là công việc mưu sinh hằng ngày. Như  vợ chồng ông Hoàng Ngọc Luận (thôn Bình Thành), từ năm 1995 đến nay, gói bánh chưng, bánh tét trở thành nghề mang lại thu nhập chính của gia đình. Ngày thường, ông bà bán loại bánh chưng chỉ nhỏ tầm nửa bàn tay có giá 6.000 đồng/chiếc, hoặc làm theo yêu cầu của khách cần bánh dịp giỗ, chạp, cưới hỏi… Dịp trước Tết là mùa cao điểm, vợ chồng ông phải huy động thêm con cháu cùng phụ làm, mỗi người một công đoạn không chỉ đẩy nhanh tiến độ công việc, mà còn tạo được không khí gia đình sum vầy, ấm áp. Ông Luận cho hay, có những năm gia đình gói bánh cho khách liên tục từ 22 đến 30 tháng Chạp, tuy rất bận rộn nhưng cũng khiến ông bà rất tự hào và vui mừng vì “tay nghề” gói bánh được mọi người ghi nhận, góp phần mang hương vị Tết đến cho mọi nhà. 

Đậm đà vị Tết

Trong câu chuyện tâm tình bên nồi bánh chưng xanh, ông bà Luận luôn nhắn nhủ con cháu rằng, để có được chiếc bánh chưng xanh thơm ngon, đậm đà, người gói bánh phải thực sự tâm huyết. Tất cả các khâu, từ chọn lá, lau lá, ngâm gạo, làm nhân đến gói bánh đều phải tỉ mỉ cẩn trọng, không được coi nhẹ công đoạn nào mới cho ra sản phẩm ưng ý.

Nấu bánh chưng Tết -
Nấu bánh chưng Tết.

Điều khá đặc biệt là gần như tất cả nguyên liệu để làm nên chiếc bánh đều do bà con Bình Thuận tự nuôi trồng được, đủ cung ứng cho mọi nhà trên địa bàn xã gói bánh. Thông thường, khi gói bánh, bà con sẽ chọn lá chuối hoặc lá dong xanh, to, đem rửa sạch. Lá chuối thường có sẵn trong vườn, phải là tàu lá của cây chuối hạt, đem phơi nắng đủ độ dẻo, mềm. Còn lá dong thì hiếm hơn, phải đi quanh xóm để mua, nhưng khi gói bánh lại có màu đẹp, nên thường được chọn dùng. 

 
“Trên quê hương mới, hàng chục năm qua với kinh nghiệm cha truyền con nối, người đi trước hướng dẫn người đi sau đã giúp truyền thống gói bánh chưng xanh tồn tại, lưu giữ qua nhiều thế hệ. Đây cũng là nét đẹp văn hóa mà bà con nơi đây rất tự hào”.
 
Ông Trịnh Minh Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Bình Thuận

Để chọn được loại nếp ngon, người gói thường đặt trước từ người quen loại nếp mới, có đủ độ thơm, dẻo. Có hai cách sơ chế, một là ngâm nếp trong nước vài giờ đồng hồ trước khi làm bánh sẽ tiết kiệm được thời gian luộc, nhưng thời hạn sử dụng của bánh sẽ thấp hơn; hai là vo kỹ nếp nhiều lần cho đến khi nước trong rồi vớt ra để ráo, khi luộc bánh sẽ mất thời gian, nhưng bánh để được nhiều ngày hơn. Tương tự, cách chọn và sơ chế nhân đậu xanh, thịt ba chỉ, củ hành… phải được làm khá kỹ lưỡng, bởi tất cả đều quyết định độ ngon của thành phẩm.

Khâu gói bánh thường dành cho người trụ cột trong gia đình. Những đôi bàn tay khỏe khoắn, nhịp nhàng và chuyên nghiệp sẽ góp phần làm nên những chiếc bánh vuông vắn, đẹp mắt. Bánh chưng được xếp thật chặt vào nồi và luộc đều lửa khoảng 8 - 10 giờ đồng hồ. Khoảng thời gian này, các bà, các chị vừa chuyện trò rôm rả, vừa tranh thủ chuẩn bị nguyên liệu để sơ chế thêm nhiều món ngon không thể thiếu trong ngày Tết như dưa món, củ kiệu, củ hành… 

Ông Trịnh Minh Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Bình Thuận cho hay, địa phương hiện có 6 dân tộc anh em đến từ 20 tỉnh, thành trong cả nước cùng sinh sống. Cùng với việc giữ gìn nét đẹp truyền thống vốn có của mỗi vùng miền thì dịp Tết Nguyên đán, hầu hết bà con nơi đây đều tổ chức gói bánh chưng, bánh tét. Đây được xem là món ăn không thể thiếu của mỗi nhà, và cũng là quà tặng đong đầy giá trị tình cảm ngày Tết.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.