Multimedia Đọc Báo in

Hãy nghe Mẹ kể chuyện…

09:26, 26/07/2020

Mỗi năm đến ngày 27-7 - Ngày Thương binh – Liệt sỹ, tôi lại nhớ đến bà nội của mình – một người mẹ liệt sỹ.

Ngày còn sống, bà nội tôi luôn mong chờ đến ngày 27-7 và Tết Nguyên đán. Cứ đến gần những ngày này là bà lại ra ngóng vào trông, chỉ cần nghe tiếng xe máy là lại ngóng ra cửa xem có ai đến thăm hay không? Bà ngóng chờ khách đến thăm không phải vì để được tặng quà mà bởi đây là dịp để bà được kể chuyện về người con trai yêu quý đã hy sinh vì đất nước.

Bác tôi đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và nằm lại ở Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. Khi hy sinh, bác mới ở độ tuổi đôi mươi và còn chưa kịp lấy vợ. Vì vậy, bà là người thờ cúng và lưu giữ tất cả những kỷ vật của bác; trong số đó có cuốn sổ tay chép kín những bài thơ sục sôi nhiệt huyết vì nghĩa lớn. Chúng tôi đã nhiều lần được bà cho xem cuốn sổ tay nhuốm màu thời gian ấy, mỗi lần xem lại rưng rưng cảm xúc như phảng phất đâu đây linh hồn của người bác mà tôi chưa một lần gặp mặt. Mỗi lần lục giở những kỷ vật của bác, bà tôi lại rơi nước mắt. Những câu chuyện về bác như khi ở nhà chịu thương chịu khó thế nào, ngày nhập ngũ ra sao, hy sinh ở đâu, ai đưa kỷ vật về cho bà… đám con cháu chúng tôi đã được nghe kể đến mức thuộc nằm lòng.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết tặng quà tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Tùng (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột).  Ảnh: Vân Anh
Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết tặng quà tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Tùng (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Vân Anh

Cứ mỗi dịp lễ, Tết có khách đến thăm là bà như khỏe hẳn ra, vui vẻ trò chuyện. Bà kể về chuyến đi thăm mộ người con liệt sỹ ở Nghĩa trang Trường Sơn. Bà mang cả cuốn bản đồ nghĩa trang ra để chỉ cho khách xem mộ của bác nằm ở vị trí nào, Ban tổ chức đón tiếp người nhà ở đâu, ra sao, nghĩa trang rộng và đẹp như thế nào… Kể đến đó bà lại rơm rớm nước mắt. Rồi khi ai đó cố gắng thay đổi không khí bằng cách gợi chuyện nghe nói bà thuộc rất nhiều thơ, thế là bà phấn khởi đọc hẳn mấy bài thơ liền. Đôi lúc khách đã đứng lên chào về rồi nhưng bà cứ nấn ná, cầm tay chưa muốn dứt câu chuyện. Ở tuổi hơn 80 bà lại hồn nhiên như trẻ thơ, thích được quan tâm hỏi han.

Thỉnh thoảng có một vài đoàn khách đến vội vã, vừa vào nhà trao quà, nói vài câu thăm hỏi rồi đứng lên xin phép về. Những lúc như thế, sau khi khách về, tôi thấy bà ngồi buồn so. Bà buồn vì không được kể chuyện về con trai, không được đọc những bài thơ mà bà thuộc dù rằng câu chuyện và bài thơ đó năm nào bà cũng kể, cũng đọc với tất cả các đoàn khách đến thăm và có lẽ họ cũng đã thuộc như bà.

Bà tôi đã về với vong linh của người con trai liệt sỹ mà bà hằng thương nhớ. Những mẹ liệt sỹ cùng độ tuổi với bà ở trong thôn cũng đã ra đi gần hết. Với bà và nhiều người mẹ liệt sỹ khác, quà cáp dù nhiều, dù đắt tiền tới đâu cũng không thể sánh với sự quan tâm chân thành dành cho các mẹ - những người đã dâng hiến cho Tổ quốc những người con yêu quý đang độ thanh xuân nhất mà chẳng chút đắn đo.

Bình An


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.