Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui nơi buôn nghèo Lách Ló

12:56, 21/01/2018

Những ngày đầu xuân, chúng tôi tìm về buôn Lách Ló, xã Nam Ka (huyện Lắk), nơi có điểm trường mầm non khó khăn bậc nhất của huyện. Vui mừng thay, các cô trò nơi đây đã có một “ngôi nhà” mới…

Cách trung tâm xã vùng sâu Nam Ka 20 km, buôn Lách Ló nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng bạt ngàn. Đường vào buôn là những con dốc ngoằn ngoèo, đầy bùn lầy và lởm chởm đá. Hai bên đường cây cối rậm rạp, tĩnh mịch dễ làm chùn chân những vị khách lạ. Nhưng vừa đặt chân đến đầu buôn, một lớp học khang trang hiện ra trước mắt với tiếng đọc bài ê a của những đứa trẻ khiến chúng tôi vô cùng thích thú. Đó là điểm lẻ của Trường Mầm non Hoa Hướng Dương.

 Các em  học sinh  say sưa nghe cô giáo H'Nghia Hwing giảng bài.
Các em học sinh say sưa nghe cô giáo H'Nghia Hwing giảng bài.

Cô Trần Thị Tố Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hướng Dương cho hay, với mong muốn “gieo” chữ cho các em đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng sâu này, từ năm 2014, điểm trưởng lẻ này bắt đầu đi vào hoạt động. Điểm trường lẻ ở buôn Lách Ló hiện chỉ có một lớp ghép gồm 3 độ tuổi (từ 3-5 tuổi) với tổng cộng 11 học sinh, do hai cô giáo phụ trách.       

 
  “Dẫu việc  "gieo" chữ nơi vùng sâu vẫn còn đó những khó khăn, nhưng lớp học mới được xây dựng khang trang đã tiếp thêm động lực giúp cô trò ở Lách Ló bám trường, bám lớp, vượt khó để ươm lên những mầm xanh cho tương lai” 
 
 Trần Thị Tố Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hướng Dương

Dù lớp rất ít học sinh nhưng hằng ngày cô H’Nghia Hwing vẫn phải soạn giáo án đủ cho cả 3 độ tuổi. Lúc chúng tôi đến, các em trong lớp đang chăm chú đọc tên các con vật theo bức tranh gợi ý của cô giáo. Khi cô gọi lên hỏi bài, các em đều đọc to, dõng dạc. “Trong lớp học có cả các cháu người M’nông, Êđê nhưng chúng tôi lại dạy tiếng phổ thông cho các em đọc hiểu nên gặp rất nhiều khó khăn. Để các cháu dễ tiếp thu, tôi phải chuẩn bị những bài học dễ hiểu và thường xuyên sử dụng 3 thứ tiếng (Kinh, M’nông và Êđê) để giảng bài cho các cháu.” - cô H’Nghia Hwing tâm sự.

Trước khi được UBND huyện Lắk đầu tư xây dựng vào đầu năm 2017 thì điểm trường lẻ buôn Lách Ló chỉ là một lán gỗ lụp xụp vỏn vẹn 15 m2 được ghép bằng tre nứa mà cô trò ở đây thường gọi vui là lớp học “bốn mùa lộng gió”. Cô H’Djuân Ndu còn nhớ như in những lần cô trò phải dúm dó ở một góc trú mưa, những ngày đông thì gió len qua các kẽ hở phả những cơn buốt lạnh, còn những ngày hè thì nóng toát mồ hôi vì lớp học chật chội, nền đất bụi bặm. “Nhưng đó chỉ là kỷ niệm mà thôi, nay chúng tôi đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng một ngôi nhà cấp 4 kiên cố, rộng gần 100 m2, nền lát gạch hoa, nhà vệ sinh sạch sẽ. Dù con đường đến trường của các cháu vẫn còn khá khó khăn nhưng có được nơi dạy và học tốt như thế này, tôi cũng thấy phấn khởi và yên tâm gắn bó với công việc “gieo" chữ của mình…” - cô H’Djuân Ndu chia sẻ.

Cô trò vui đùa trước sân lớp học.
Cô trò vui đùa trước sân lớp học.

Ông Y Krông Buôn Tráp, Trưởng buôn Lách Ló cũng không giấu được niềm vui: “Các cháu được học trong một không gian sạch sẽ với những bộ bàn ghế mới, đầy đủ đồ dùng học tập, đồ chơi, sách vở. Từ khi có lớp học mới, các cháu thích đi học hơn, phụ huynh cũng phấn khởi, yên tâm khi gửi con cho cô giáo để đi làm”.

Thùy Duyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.