Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn: Nhiều khó khăn ở các điểm trường lẻ

09:21, 05/07/2018

Huyện Buôn Đôn hiện có 5 trường tiểu học có điểm trường với tổng số 10 điểm trường. Việc duy trì các điểm trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đến trường. Tuy nhiên, giao thông cách trở, cơ sở vật chất thiếu thốn khiến việc dạy và học ở các điểm trường rất khó khăn.

Điểm trường thôn 13 của Trường Tiểu học Kim Đồng cách trung tâm xã Cuôr Knia gần 8 km. Điểm trường này có 2 dãy nhà với 4 phòng học nhưng đều xuống cấp nghiêm trọng. Mái tôn bị dột nên những bức tường cũng trở nên loang lổ. Phòng học tuy có điện nhưng lại không có chiếc quạt nào. Hàng rào và cổng của điểm trường được xây dựng tạm bợ, không có người trông coi. Điểm trường cũng không có nhà vệ sinh nên mỗi lần có nhu cầu các thầy cô giáo và các em học sinh phải đi nhờ nhà dân quanh đó. Nơi đây chỉ có 2 lớp học dành cho 4 khối lớp, trong đó có một lớp ghép. Cô Lô Nguyễn Miên, giáo viên phụ trách lớp ghép tại điểm trường tâm sự: “Giáo viên ở các điểm trường vất vả nhưng giáo viên dạy lớp ghép ở các điểm trường lại càng vất vả hơn. Để vào được đây, các cô giáo phải lặn lội trên con đường đất quanh co, gập ghềnh với những ổ voi, ổ gà và đá lởm chởm; mùa mưa thì lầy lội còn mùa nắng thì bụi mịt mù”. Năm học 2017 - 2018 vừa qua, cô Miên phụ trách lớp ghép 1-2 với tổng số chỉ 4 học sinh, trong đó có hai em lớp 1 và hai em lớp 2. Chiếc bảng đen được cô chia làm hai nửa, hết dạy các em học sinh lớp 2 làm toán lại quay sang dạy học sinh lớp 1 tập đọc. Với giáo án, cô Miên cũng phải làm soạn hai cuốn dành cho 2 khối lớp.

Lớp ghép 1 - 2 ở điểm trường thôn 13 (xã Cuôr Knia) của Trường Tiểu học Kim Đồng.
Lớp ghép 1 - 2 ở điểm trường thôn 13 (xã Cuôr Knia) của Trường Tiểu học Kim Đồng.

Phần lớn các điểm trường đều có lớp ghép như điểm trường ở thôn 13, xã Cuôr Knia. Các điểm trường đều cách xa trung tâm xã, giao thông hết sức khó khăn. Diện tích các điểm trường thường rất hẹp, chỉ đủ để xây phòng học và một phần diện tích dùng làm sân chơi; hầu như không có tường rào bao quanh và cũng không có bảo vệ trông coi. Các phòng chức năng, nhà vệ sinh, giếng nước hầu như không có. Nhiều điểm trường được xây dựng từ khá lâu nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Cũng vì không có phòng chức năng nên các em học sinh ở các điểm trường không được học đầy đủ các môn như Tin học, Tiếng Anh, Mỹ thuật… Phương tiện, đồ dùng dạy học thiếu thốn, chủ yếu do giáo viên tự chuẩn bị. Khu vực các điểm trường đóng chân chủ yếu là thôn, buôn của đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn nên sự quan tâm của phụ huynh dành cho con em cũng hạn chế. Các em học sinh rất dễ bỏ học bởi vậy giáo viên thường rất vất vả trong việc hỗ trợ, vận động học sinh trở lại lớp. Nhiều giáo viên thường bỏ tiền túi ra mua tặng sách vở cho những em bỏ học vì thiếu sách vở, đồ dùng học tập.

Bà Hoàng Thị Bích Trâm, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Buôn Đôn cho biết: Sau mỗi năm học, huyện đều thành lập đoàn kiểm tra đánh giá cơ sở vật chất ở các trường học để có phương án sửa chữa, xây mới. Trong đó, thường ưu tiên các trường thực sự khó khăn về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, nguồn ngân sách được phân bổ để phục vụ sửa chữa, xây mới cơ sở vật chất trường học rất hạn chế. Huyện cũng muốn đưa học sinh ở các điểm trường về trường chính nhưng ở các trường chính không có nơi bán trú cho học sinh nên không thực hiện được. Ngành Giáo dục huyện thường lựa chọn những giáo viên có chuyên môn vững và thực sự yêu nghề, yêu trẻ đến dạy các điểm trường lẻ, đồng thời thực hiện đầy đủ các chính sách đối với giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa.

Quốc An


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.