Multimedia Đọc Báo in

Giáo dục đạo đức cho học sinh không cần bằng những thứ cao siêu

09:57, 13/08/2019

Tiếp tục quan tâm hơn nữa đến dạy người; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho học sinh, sinh viên là nhiệm vụ số một của ngành Giáo dục trong năm học mới - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 diễn ra ngày 6-8.

Theo Phó Thủ tướng, để làm được điều này ngành Giáo dục bám sát vào ba khẩu hiệu: Tiên học lễ, hậu học văn; Thi đua dạy tốt - học tốt; Tất cả vì học sinh thân yêu và 5 điều Bác Hồ dạy. 5 điều Bác Hồ dạy không chỉ dành riêng cho thiếu niên, nhi đồng mà thanh niên cũng vận dụng để học tập, làm theo. Đặc biệt, không nên coi dạy đạo đức là nhiệm vụ của riêng giáo viên chủ nhiệm, của giáo viên dạy môn đạo đức, giáo dục công dân mà là trách nhiệm của tất cả giáo viên trong nhà trường.

Bằng sự gương mẫu của mình, giờ học nào giáo viên cũng có thể nói chuyện đạo đức; giáo dục đạo đức cho học sinh không cần bằng những thứ cao siêu mà bằng những thứ gần gũi, thân thiết, giáo dục thông qua nêu gương người tốt việc tốt ở trong địa bàn dân cư, trong trường, lớp…

Tới đây, ngành Giáo dục sẽ phát động những bài giảng mẫu về đạo đức, trên tinh thần gắn với người tốt - việc tốt; kêu gọi học sinh và toàn xã hội làm những clip ngắn về gương người tốt - việc tốt, về văn hóa ứng xử. Ngoài ra, tăng cường vai trò nhà trường, gia đình, xã hội tham gia vào giáo dục đạo đức lối sống; huy động toàn xã hội vào câu chuyện giáo dục đạo đức lối sống, tránh tình trạng “khoán gọn” cho nhà trường.

Cán bộ, giáo viên, học sinh Trường Tiểu học, THCS - THPT Victory tham dự Lễ dâng hoa, dâng hương các Anh hùng liệt sỹ.
Cán bộ, giáo viên, học sinh Trường Tiểu học, THCS - THPT Victory tham dự Lễ dâng hoa, dâng hương các Anh hùng liệt sỹ.

Bàn sâu giải pháp để nâng cao giáo dục đạo đức học sinh, tại Hội thảo về công tác dạy đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông do Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu “soi” lại giáo dục từ các khẩu hiệu trong nhà trường.

Hiện nay, ngành Giáo dục có rất nhiều khẩu hiệu, phong trào liên quan đến giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh như: “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Thi đua dạy tốt - học tốt”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”, "Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm", “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”... “Có thể thấy, đa số các em học sinh đều thuộc lòng các câu khẩu hiệu, phong trào thi đua trên nhưng từng em học sinh chưa thực hiện tốt nội dung thi đua, nguyên nhân là do quá chung chung, do đó trong năm học mới 2019 - 2020, ngành Giáo dục cần nêu ra được một số việc cụ thể trong từng khẩu hiệu, phong trào thi đua để hết năm học tổng kết lại xem việc dạy đạo đức, lối sống, dạy làm người cho học sinh có chuyển biến không?”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu.

Một tiết mục văn nghệ trong chương trình sinh hoạt ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học, THCS - THPT Victory.
Một tiết mục văn nghệ trong chương trình sinh hoạt ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học, THCS - THPT Victory.

Vai trò, trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, trong đó nhà trường đóng vai trò trung tâm một lần nữa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020. Thủ tướng cũng đã đưa ra yêu cầu cụ thể cho các bộ, ban, ngành đoàn thể liên quan nhằm làm tốt vấn đề này.

Năm học mới 2019 - 2020 đã cận kề, bên cạnh những nhiệm vụ trọng tâm, ngành Giáo dục cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh; đặc biệt là tăng cường công tác phối hợp nhà trường với gia đình và xã hội nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống của học sinh, sinh viên.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.