Multimedia Đọc Báo in

Liên hiệp quốc họp khẩn cấp về Yemen

20:21, 24/03/2015
Ngày 22-3, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Yemen sau khi Tổng thống Abd Rabbuh Mansur Hadi gửi thư yêu cầu Liên hiệp quốc can thiệp khẩn cấp vào nước này, sau các vụ đánh bom liều chết do IS tiến hành làm ít nhất 150 người thiệt mạng ở thủ đô Sanaa hôm 20-3. 
 
Trước đó, kênh CNN cho biết Mỹ đang sơ tán 100 binh sĩ đặc nhiệm cuối cùng khỏi Yemen. Họ từng có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động chống khủng bố nhằm vào al-Qaeda và các nhánh của tổ chức này. Tháng trước, chính quyền Mỹ cũng đã cho đóng cửa vô thời hạn Đại sứ quán ở thủ đô Sanaa sau khi nhóm phiến quân Hồi giáo dòng Shi’ite Houthi giành quyền kiểm soát thủ đô của Yemen. 
 
Cùng ngày, phiến quân Houthi đã chiếm Taiz, TP lớn thứ 3 của Yemen cũng như sân bay của TP này.
 
Cũng trong ngày 22-3, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cảnh báo, nếu khoảng trống quyền lực kéo dài tại Yemen, cuộc xung đột tại nước này có thể rơi vào tình cảnh nội chiến tương tự như Iraq, Libya hay Syria. Trong báo cáo trình bày tại Hội đồng Bảo an, đặc phái viên Tổng thư ký Liên hiệp quốc, ông Jamal Benomar đã cảnh báo về tình hình bạo lực ngày một gia tăng cùng với tình trạng hỗn loạn tại Yemen có nguy cơ đẩy nước này vào một cuộc nội chiến. Theo ông Benomar, trong một kịch bản xấu nhất, cuộc xung đột tại Yemen có thể khiến nước này trở thành một Iraq, Libya hay Syria thứ 2, nếu các bên tại Yemen tiếp tục giành quyền kiểm soát Yemen cho mình. Ông Benomar nói: “Bất cứ bên nào cố tình đẩy Yemen theo hướng này hoặc hướng kia đều khiến chiến sự leo thang và kịch bản Iraq, Libya hay Syria sẽ lặp lại”.
 
Phiến quân Hồi giáo dòng Shi'ite Houthi đã chiếm Taiz. (Nguồn: aa.com.tr)
Phiến quân Hồi giáo dòng Shi'ite Houthi đã chiếm Taiz. (Nguồn: aa.com.tr)
Khẳng định của đặc phái viên Tổng thư ký Liên hiệp quốc là có cơ sở bởi lẽ Yemen đã rơi vào hỗn loạn từ sau khi phiến quân Houthi chiếm giữ thủ đô Saa’na từ hồi tháng 9-2014. Hỗn loạn đã dẫn tới việc chính quyền hợp pháp ở Yemen phải chuyển về thành phố Aden để lánh nạn. Cuộc khủng hoảng không chỉ đẩy Yemen vào cảnh nội chiến mà còn tạo điều kiện cho các nhánh khủng bố al-Qaeda gia tăng hiện diện trong các bộ lạc người Hồi giáo dòng Sunni ở nước này. Không chỉ dừng lại ở các nhánh al-Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng đã gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này khi mới đây nhóm này tuyên bố nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom nhằm vào 2 nhà thờ tại Yemen khiến 137 người chết và hàng trăm người khác bị thương. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu khoảng trống quyền lực tại Yemen tiếp tục kéo dài thì các nhóm vũ trang sẽ hoạt động mạnh hơn, xung đột chính trị và bạo lực sắc tộc sẽ đẫm máu hơn và việc rơi vào nội chiến là điều sớm xảy ra.
 
Trước tình hình trên, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc hôm 22-3 đã kêu gọi các bên tại Yemen kiềm chế nhằm tránh làm ảnh hưởng đến tiến trình chính trị và làm hủy hoại tình hình an ninh, sự ổn định, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Yemen. Hội đồng Bảo an kêu gọi các bên, đặc biệt là phiến quân Houthi tuân thủ đề xướng do Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đề xuất cũng như cơ chế thực thi đề xuất nhằm giải quyết bất ổn, cũng như sớm công bố thời điểm hoàn tất tiến trình tham vấn hiến pháp tại Yemen.
 
Hội đồng Bảo an cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Yemen Abdo Rabbo Mansour Hadi, đồng thời cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp mạnh nếu tình trạng thù địch không chấm dứt. Trong một tuyên bố, Đại sứ Qatar tại Liên hiệp quốc, Al- Thani nhấn mạnh: “Hội đồng Bảo an cần hành động nhằm ngăn chặn vũ khí rơi vào tay các phiến quân. Điều đáng lo hiện nay là tình hình an ninh ngày một xấu đi cùng với sự gia tăng của các nhánh al-Qaeda tại bán đảo Arab khiến bạo lực, khủng bố tiếp tục lan rộng tại Yemen.
 
H.T (tổng hợp từ SGGP, VOV) 
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.