Multimedia Đọc Báo in

Thành tựu của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau 6 tháng cầm quyền

20:00, 22/07/2017

Ông Donald Trump nhậm chức với lời hứa sẽ thay đổi diện mạo của chính trị Mỹ và mang lại quyền lực cho nhân dân. Vậy, đến nay ông đã đạt được những gì, sau 6 tháng cầm quyền?

Ông Donald Trump là một trong những tổng thống ít được tín nhiệm nhất hiện nay. Theo thăm dò của Gallup, tỷ lệ ủng hộ ông giảm thảm hại xuống còn 39% sau 6 tháng nhậm chức. Tỷ lệ này thấp bằng tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Gerald Ford hồi năm 1975. Tổng thống Ford cũng chỉ đạt 39% ủng hộ sau 6 tháng bước vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, tỷ lệ không ủng hộ của ông Trump (56%) cao hơn Tổng thống Ford (45%).

Di cư được xem là vấn đề chính trong suốt chiến dịch tranh cử của ông Trump và ông đã ký một số sắc lệnh để thực hiện lời hứa của mình. Một trong những sắc lệnh đầu tiên của ông là Mỹ sẽ xây dựng một bức tường hoặc một rào chắn không thể vượt qua dọc đường biên giới dài hơn 1.000 km với Mexico. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ vẫn chưa phê chuẩn kinh phí cho việc xây dựng này. Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh rằng chi phí xây bức tường sẽ lấy lại từ Mexico dù lãnh đạo nước này có nói gì đi nữa.

Mặc dù Tổng thống Trump vẫn chưa thay đổi được luật lệ nhập cư của Mỹ nhưng ông đã ký hai văn bản ghi nhớ hướng dẫn các nhân viên giải quyết nhập cư thực thi những biện pháp khắt khe hơn. Có những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi này đã giúp giảm số người cố gắng xâm nhập bất hợp pháp vào Mỹ. Hồi tháng 3, số người vào Mỹ từ phía Mexico đã giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm qua. Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ John Kelly cho rằng con số giảm này không phải là tình cờ và những biện pháp của Tổng thống Trump đã tạo ra sự thay đổi đó.

Những bài phát biểu gay gắt của tân Tổng thống Mỹ về tình trạng nhập cư  bất hợp pháp tạo nên cảm giác là người nhập cư dễ dàng hơn dưới thời cựu Tổng thống Obama nhưng có rất nhiều bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Trong giai đoạn 2009-2015, chính quyền Obama đã trục xuất hơn 2,5 triệu người – hầu hết là những người bị kết án vì phạm tội hoặc mới đến – khiến ông Obama được mệnh danh là “lãnh đạo trục xuất”. Nhưng ước tính có khoảng 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp vẫn sinh sống ở Mỹ, đa số đến từ Mexico. Khi ông Trump đắc cử, Cơ quan Hải quan và nhập cư Mỹ đã thực hiện một loạt các cuộc khám xét trên toàn quốc, dẫn tới kết quả thống kê số người nhập cư tăng khoảng 40% mỗi tháng trong thời kỳ cuối nhiệm kỳ của ông Obama. Tuy nhiên, không có thêm trường hợp nào bị trục xuất. Thay vào đó, hiện có tới hơn 600.000 trường hợp đang chờ đợi được xét duyệt nhập cư.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty Images)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty Images)

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã thề sẽ tạo ra 25 triệu việc làm trong vòng 10 năm và trở thành một “tổng thống tạo ra nhiều việc làm nhất”. Ông cũng thống kê tình trạng thất nghiệp thực sự ở mức hơn 40%. Bây giờ, khi đã là người điều hành nước Mỹ, ông Trump cũng đang nắm giữ tỷ lệ thất nghiệp tương tự mà ông từng phủ nhận là “giả mạo”.

Quỹ đạo kinh tế cơ bản dưới thời Tổng thống Trump cũng không khác gì thời ông Obama. Tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong 16 năm qua và xảy ra ở tất cả các lĩnh vực sau 81 tháng liên tục tăng trưởng.

Thị trường chứng khoán ở mức cao kỷ lục, giá dầu vẫn ở mức thấp, niềm tin của người tiêu dùng đang có xu hướng tăng lên và lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ và xe hơi vẫn đang giảm sút trong khi tăng trưởng về tiền lương vẫn còn chậm chạp.

Nhà Trắng đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng 3%, nhưng Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ cho rằng mục tiêu khó đạt được. Từ năm 2001 đến nay, mức tăng trưởng trung bình ít hơn 2% mỗi năm và nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chỉ đạt 1,4% trong quý đầu của năm nay.

Chăm sóc y tế cũng luôn là một phép thử sớm với Tổng thống Donald Trump sau khi ông xem đó là một trong những vấn đề trung tâm trong chiến dịch tranh cử của mình.

Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền của Tổng thống Obama (thường gọi là Obamacare) đã giúp hơn 20 triệu người Mỹ trước đây không mua bảo hiểm có được bảo hiểm y tế, tuy nhiên nó khiến chi phí bảo hiểm đội lên và ông Trump tuyên bố rằng ông sẽ bác bỏ và thay thế đạo luật này ngay lập tức.

Cuối cùng dự luật của đảng Cộng hòa cũng đã được thông qua mặc dù bị Văn phòng ngân sách Quốc hội (CBO), một cơ quan phí đảng phái, đánh giá là tồi tệ. Cơ quan này cho rằng dự luật này sẽ khiến 24 triệu người Mỹ không được bảo hiểm vào năm 2026. Dự luật Trumpcare cũng bị ngành y tế phản đối, sợ rằng hàng triệu người sẽ mất bảo hiểm.

Thượng viện Mỹ cũng phải đối mặt với những chỉ trích tương tự và bị cản trở bởi sự phản đối của các thành viên hai đảng – hầu hết đều lo lắng rằng dự luật sẽ dẫn tới cắt giảm về trợ giúp y tế, một chương trình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe dành cho người nghèo, và giới bảo thủ thì không hài lòng bởi dự luật có quá nhiều điểm giống Obamacare.

Dự luật đã không nhận được đủ sự ủng hộ để được bỏ phiếu thông qua tại Thượng viện. Tổng thống Trump nói rằng ông rất thất vọng và kêu gọi các thành viên trong đảng hãy để cho Obamacare biến mất.

Bất cứ một động thái nào của Nhà Trắng nhằm cắt giảm chi phí nguồn hỗ trợ của chương trình sẽ là một chiến lược nguy hiểm cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm tới, đặc biệt là các cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ Obamacare đang tăng lên.

Theo website của Nhà Trắng, đến nay Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành 42 dự luật. Rất nhiều dự luật hiện hành hóa ra chẳng có chút tầm quan trọng quốc gia nào, như đặt lại tên cho một tòa cao ốc ở Nashville hoặc chỉ định các thành viên cho ban lãnh đạo của một bảo tàng.

Tổng thống Trump cũng thực hành quyền lực chính trị của mình thông qua những lệnh hành pháp và bản ghi nhớ đơn phương, cho phép ông có thể bỏ qua quá trình lập pháp ở Quốc hội trong một số chính sách nhất định; trong đó có việc rút khỏi Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cắt giảm các luật lệ kinh doanh và thúc đẩy việc xây dựng hai đường ống dẫn dầu gây tranh cãi. Và hành động tiếp theo của ông Trump không phải là một dự luật hay một lệnh hành pháp mà là thông báo rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Pari!

Hồng Hải ( Theo BBC)

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.