Multimedia Đọc Báo in

Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên: Mở ra cơ hội cho hòa bình

08:55, 15/06/2018
Vậy là sau rất nhiều nỗ lực, thiện chí và cả sóng gió, cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều đã diễn ra đúng theo kế hoạch.
 
“Cuộc hẹn” đầu tiên này đã kết thúc tốt đẹp hơn mong đợi, với một tuyên bố chung được hai bên đánh giá là toàn diện, chứng tỏ rằng hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia từng có gần 7 thập kỷ đối địch đã vượt qua “phép thử” của lòng tin và cùng nhau tạo một “cú hích” cho hòa bình và thịnh vượng lâu dài trên bán đảo Triều Tiên cũng như đảm bảo an ninh cho toàn khu vực Đông Bắc Á.

Trong suốt cuộc gặp gỡ kéo dài gần 5 giờ đồng hồ, trong đó có hơn 40 phút gặp riêng trực tiếp, hơn 1 giờ đàm phán mở rộng và sau đó là bữa trưa kết hợp làm việc, thế giới đã chứng kiến một Tổng thống Mỹ và một nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên luôn tươi cười, thân thiện, phong thái thoải mái, khác hẳn với những màn “đấu khẩu” ác liệt mà chính hai người đàn ông này đã “ném” vào nhau cách đây nửa năm. Bản thân ông Trump đã liên tục có những phát biểu lạc quan như “chúng tôi đã có cuộc thảo luận hết sức tốt đẹp”, “chúng tôi sẽ đạt được thành công” hay “chúng tôi sẵn sàng hợp tác với nhau, sẵn sàng giải quyết được vấn đề lớn…”.

Bản tuyên bố chung lịch sử được Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un ký kết khi kết thúc cuộc gặp chỉ dài hơn một trang giấy nhưng đã phản ánh đúng những điều như ông Trump khẳng định rằng đây là văn kiện “tốt đẹp và toàn diện”. Trong đó, Mỹ và Triều Tiên đã cam kết thiết lập quan hệ song phương mới theo nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng; cam kết nỗ lực nhằm xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài, ổn định và hướng tới phi hạt nhân hóa toàn diện trên bán đảo Triều Tiên. Hai bên cũng nhất trí thực hiện công tác tìm kiếm và trao trả hài cốt của tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA).

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp ở Singapore ngày 12-6.(Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp ở Singapore ngày 12-6.(Ảnh: THX/TTXVN)

Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, phát biểu với báo chí, người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Stephane Dujarric cho biết, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres hoan nghênh kết quả tích cực Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên. Quan điểm của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên không thay đổi. Ông tái khẳng định, phi hạt nhân hóa cần phải hoàn chỉnh, minh bạch và không thể đảo ngược.

Tiếp tục hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, cộng đồng quốc tế cũng bày tỏ tin tưởng vào tiến trình hòa bình sẽ diễn ra sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đánh giá cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore là một "hội nghị thượng đỉnh lịch sử". Tuyên bố của ông Jens Stoltenberg nêu rõ: "NATO ủng hộ mạnh mẽ tất cả các nỗ lực đưa đến đích cuối cùng là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên".

Thông cáo của Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh: "Đây là bước đi đầu tiên quan trọng trong nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên". Trong khi đó, Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah đánh giá tuyên bố chung ký kết tại Singapore chứa đựng nền tảng cho việc đạt được nền hòa bình vĩnh viễn giữa Mỹ và Triều Tiên, cũng bảo đảm an ninh và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Theo ông, diễn biến quan trọng này sẽ góp phần loại bỏ căng thẳng nhiều năm qua tại khu vực.

Bản Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của hội nghị thượng đỉnh đầu tiên này, giúp hai bên vượt qua căng thẳng và thù địch nhiều thập kỷ qua để mở ra một tương lai mới. Hai bên cũng nhất trí tiến hành cuộc gặp cấp Bộ trưởng Ngoại giao và quan chức cấp cao vào thời điểm sớm nhất có thể để triển khai các kết quả của hội nghị.

Nhiều quốc gia châu Âu cũng bày tỏ vui mừng trước các diễn biến trên, Tổng thống Slovenia Borut Pahor nhận định hai nhà lãnh đạo đã cùng thực hiện các bước đi lịch sử hướng tới hòa bình và an ninh. Cùng quan điểm với Tổng thống Pahor, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh cuộc gặp là bước đầu tiên trên con đường đúng đắn dẫn đến những kết quả rõ ràng và khả thi. Cho rằng cuộc họp là "sự bắt đầu của một tiến trình dài", Ngoại trưởng Phần Lan Timo Soini nhận định tiến trình từ đây sẽ rõ ràng và hy vọng sẽ dẫn đến một thỏa thuận hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Báo chí quốc tế đã đồng loạt đăng tải các bài viết bày tỏ sự lạc quan và kỳ vọng về thành công của Hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều ngày 12-6.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ hai, phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ hai, trái) tại lễ ký tuyên bố chung ở Sentosa, Singapore ngày 12-6. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ hai, phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ hai, trái) tại lễ ký tuyên bố chung ở Sentosa, Singapore ngày 12-6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ Yonhap cho biết, khắp nơi tại Hàn Quốc đang tràn ngập thông tin về cuộc đối thoại giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Còn người dân thì hy vọng hòa bình sẽ sớm lặp lại trên bán đảo Triều Tiên. Tất cả các kênh truyền hình lớn của Hàn Quốc đều phát đi phát lại hình ảnh trực tiếp từ Singapore, như hình ảnh hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đến Sentosa ở Singapore, cái bắt tay lịch sử và những phát biểu của họ tại hội đàm.

Kênh tin tức Fox news của Mỹ đăng tải bài viết có tiêu đề “Giây phút xúc động khi ông Trump và ông Kim Jong-un nói lời tạm biệt”. Nhận xét về chi tiết này, diễn giả Chris Wallace đã so sánh cái bắt tay tạm biệt của lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên với cái bắt tay “huyền thoại” của Tổng thống Mỹ Reagan và Tổng thống Liên Xô Gorbachev.

Trong khi đó, tờ Tân Hoa xã của Trung Quốc sáng 12-6 có bài bình luận với tựa đề “Thượng đỉnh Mỹ - Triều: điểm khởi đầu của phi hạt nhân hóa và hòa bình”. Tờ báo này cho rằng hội nghị đã giúp nhen nhóm hy vọng về một giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Theo Tân Hoa xã, con đường hướng tới một bán đảo Triều Tiên không hạt nhân, thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng trong khu vực chắc chắn là một con đường gập ghềnh đòi hỏi sự kiên nhẫn và trí tuệ. Dẫu vậy, Bình Nhưỡng và Washington, hai quốc gia đóng vai trò mấu chốt đã phần nào dỡ bỏ được rào cản khi đưa ra quyết định táo bạo tổ chức hội nghị thượng đỉnh này. Tờ báo này nhận xét, bất đồng dù vẫn còn khá nhiều nhưng không phải là không dễ gạt bỏ. Cả Mỹ và Triều Tiên nên giải quyết những lo ngại của nhau và có nhiều hành động hơn nữa để tăng cường đối thoại và tạo dựng sự tin tưởng.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 

 

 


Ý kiến bạn đọc