Multimedia Đọc Báo in

Các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV

07:50, 05/12/2012

HIV là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Human Immunodeficiency Virus”, là virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh dẫn đến chết người. Bình thường trong cơ thể luôn tồn tại một hệ thống miễn dịch với thành phần chính là bạch cầu. Đây là lực lượng bảo vệ của cơ thể chống lại sự tấn công của các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh xâm nhập từ bên ngoài hoặc mầm bệnh phát sinh từ bên trong cơ thể.

Chỉ tính riêng năm 2011 trên thế giới có khoảng 2,5 triệu người nhiễm mới HIV và 1,7 triệu người đã tử vong do HIV/AIDS. Tại Việt Nam theo thống kê của Cục phòng, chống HIV/AIDS, tính đến hết tháng 6 năm 2012 toàn quốc có 204.019 người nhiễm HIV hiện đang còn sống, trong đó có 58.569 bệnh nhân AIDS và đã có 61.856 người chết do AIDS.

Theo báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, tính đến nay toàn tỉnh đã có 1.821 trường hợp nhiễm HIV, 777 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 390 người đã tử vong do AIDS, 151/184 xã phường đã phát hiện có người nhiễm HIV. Nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm đối tượng tiêm chích ma túy (chiếm 41,25%), nguy cơ lây nhiễm qua con đường quan hệ tình dục cũng đang có xu hướng tăng nhanh.

Đến thời điểm hiện tại HIV/AIDS vẫn là một căn bệnh đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác điều trị. Vì vậy, muốn phòng bệnh HIV chúng ta cần biết đường lây nhiễm của căn bệnh này để phòng tránh.

Phòng tránh lây nhiễm HIV qua đường máu:

Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu của người khác. Cụ thể:

Không dùng chung bơm kim tiêm, chỉ sử dụng bơm kim tiêm một lần khi tiêm.

Dùng riêng hoặc sau khi đã tiệt trùng các dụng cụ  xuyên qua như da như: dao cạo râu, kim châm cứu, dụng cụ bấm lỗ tai, dụng cụ gọt dũa móng tay, bàn chải đánh răng,.v.v…

Phải dùng găng tay cao su hoặc túi ny lông, vải dày để không tiếp xúc với máu, dịch của người khác khi thực hiện các thao tác liên quan đến máu như băng bó vết thương hở, thu gom chất thải có dính máu.

Chỉ nên truyền máu trong những trường hợp cần thiết và tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Phòng tránh lây nhiễm HIV qua đường tình dục:

Không để dịch sinh dục như tinh dịch, dịch âm đạo của bạn tình tiếp xúc trực tiếp với da, niêm mạc của mình trong khi quan hệ tình dục, do đó cần:

Sử dụng bao cao su thường xuyên và đúng cách khi quan hệ tình dục, đặc biệt với người bán dâm hoặc người mà  bạn không biết chắc chắn tình trạng nhiễm HIV của họ.

Ngoài ra, tuân thủ các biện pháp sau sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục:

Chung thủy từ cả hai phía và cả hai chưa nhiễm HIV.

Giảm số bạn tình. Những người càng có quan hệ tình dục với nhiều người càng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Với những người trẻ, không quan hệ tình dục trước hôn nhân.

Việc sử dụng bao cao su thường xuyên và đúng cách khi quan hệ tình dục là hết sức quan trọng vì nó vừa giúp phòng tránh lây nhiễm HIV, vừa giúp phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và phòng tránh có thai ngoài ý muốn.

Phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con:

Tăng cường các hoạt động nhằm bảo vệ phụ  nữ khỏi nhiễm HIV/AIDS.

Vận động mọi phụ nữ tránh các hành vi nguy cơ có thể dẫn đến nhiễm HIV/AIDS;

Mọi người tự xét thấy mình hoặc người thân  đang có hành vi nguy cơ cao, nếu muốn mang thai thì nên tự nguyện đến các cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm HIV;

Tăng cường tiếp cận các phương tiện tránh thai cho phụ  nữ đã nhiễm HIV.

Phụ nữ  nhiễm HIV không nên mang thai vì:

Thai có thể  chết lưu trong bụng mẹ, dị dạng, suy dinh dưỡng; trẻ sinh ra có thể bị nhiễm HIV; trẻ có thể phát triển kém hơn những đứa trẻ bình thường khác và sẽ sớm bị mồ côi mẹ, sức khỏe của người mẹ suy giảm nhanh hơn, chuyển thành AIDS sớm hơn.

Nếu phụ nữ  nhiễm HIV đã có thai thì nên đến cơ sở y tế để khám thai và được tư vấn cách xử lý.

Một số địa chỉ tư vấn, xét nghiệm HIV miễn phí tại tỉnh Dak Lak

1. Phòng tư vấn và xét nghiệm tự nguyện HIV miễn phí (Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Dak Lak); địa chỉ: 46 Hoàng Diệu, TP. Buôn Ma Thuột; điện thoại: 0500.3811322

2. Phòng tư vấn và xét nghiệm tự nguyện HIV miễn phí (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Dak Lak); địa chỉ: 72 Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột; điện thoại: 0500.3810450

3. Phòng tư vấn sức khỏe cộng đồng (Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột); địa chỉ: 133 Xô Viết - Nghệ Tĩnh, TP. Buôn Ma Thuột

4. Phòng tư vấn sức khỏe cộng đồng (Trung tâm Y tế huyện Krông Pak).

5. Phòng khám ngoại trú và điều trị ARV (BVĐK tỉnh Dak Lak); địa chỉ: 02 Mai Hắc Đế, TP. Buôn Ma Thuột.

6. Dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai (Bệnh viện Đa khoa tỉnh); địa chỉ: 02 Mai Hắc Đế, TP. Buôn Ma Thuột.

7. Phòng khám ngoại trú và điều trị ARV (BVĐK TP. Buôn Ma Thuột); số 99 Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Buôn Ma Thuột.

Khi đến các Trung tâm tư vấn bạn sẽ được làm xét nghiệm miễn phí, đồng thời được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.