Multimedia Đọc Báo in

Có nên chờ vắc xin dịch vụ?

09:07, 28/03/2015
Từ đầu năm đến nay, vắc xin 6 trong 1 Hexa infanrix và vắc xin 5 trong 1 Pentaxim ngừa các bệnh Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt, Viêm gan siêu vi B và viêm màng não mủ tiếp tục khan hiếm tại các điểm tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
 
Mặc dù vậy rất nhiều phụ huynh vẫn quyết định chờ vắc xin dịch vụ chứ không cho con tiêm vắc xin 5 trong 1 Quivaxem được tiêm miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng, dẫu chẳng biết phải chờ đến khi nào. Theo ý kiến của một số bậc cha mẹ, cho con tiêm vắc xin dịch vụ tốt hơn và ít phản ứng phụ hơn vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Thậm chí có người còn đưa ra minh chứng là thời gian qua vắc xin 5 trong 1 Quivaxem đã gây tử vong và biến chứng nặng cho một số trẻ, trong khi tình trạng này ở vắc xin 6 trong 1 Hexa infanrix và vắc xin 5 trong 1 Pentaxim chỉ là hy hữu.
Tiêm vắc xin 5 trong 1 Quivaxem cho trẻ tại Trạm y tế phường  Tự An (TP. Buôn Ma Thuột).
Tiêm vắc xin 5 trong 1 Quivaxem cho trẻ tại Trạm y tế phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột).

Trên thực tế, tình trạng khan hiếm vắc xin 6 trong 1 Hexa infanrix và 5  trong 1 Pentaxim không chỉ xảy ra ở riêng tỉnh ta mà là tình hình chung của cả nước. Theo lý giải của Bộ Y tế việc thiếu các loại vắc xin này là do nhu cầu của người dân tăng đột biến, trong khi các nhà sản xuất không đủ vắc xin để cung cấp. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng khẳng định vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm nhất luôn có sẵn trong hệ thống tiêm chủng mở rộng và khuyến cáo các bậc cha mẹ nên cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh kịp thời để tránh nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm do không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Bên cạnh đó, giải đáp về chất lượng của vắc xin được tiêm miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, tại buổi tọa đàm về tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ diễn ra mới đây, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vắc xin miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng không thua kém về chất lượng so với vắc xin dịch vụ. Tất cả các loại vắc xin đều có phản ứng sau tiêm nhất định, miễn là khi lưu hành tỷ lệ này nằm trong giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới. Sự khác biệt là ở chỗ tỷ lệ gặp phản ứng phụ nhẹ (sốt dưới 38,5 độ C, sưng đau tại chỗ tiêm) của vắc xin dịch vụ ít hơn vắc xin tiêm chủng mở rộng. Lý do là vì vắc xin dịch vụ có sử dụng thành phần ho gà vô bào, trong khi Quinvaxem là toàn tế bào (trước kia là vắc xin DPT). Chính điều này gây nên tâm lý lo ngại ở các bậc cha mẹ. Song, nếu xét về hiệu quả đáp ứng miễn dịch thì vắc xin tiêm chủng mở rộng với thành phần ho gà toàn tế bào tốt hơn vắc xin dịch vụ. Còn lý giải tại sao vắc xin tốt lại được tiêm miễn phí, Phó Trưởng Ban Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng Nguyễn Văn Cường cho rằng, không phải cứ vắc xin đắt tiền là tốt hơn. Bởi, vắc xin tiêm chủng mở rộng không phải tự nhiên miễn phí, mà là Nhà nước trả tiền mua, tổ chức quốc tế hỗ trợ một phần, mua số lượng nhiều hơn nên rẻ hơn.

Cùng với những câu trả lời của các chuyên gia đầu ngành, những số liệu được Cục Y tế dự phòng công bố tại buổi tọa đàm cũng là cơ sở đáng để các bậc phụ huynh xem xét lại quyết định chờ đợi vắc xin dịch vụ hay tiêm vắc xin miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đó là số lượng trẻ em tiêm chủng 2 loại vắc xin dịch vụ Hexa infanrix và Pentaxim không lớn, trung bình mỗi năm chỉ chiếm khoảng 8-10% số lượng trẻ em cả nước. Còn lại phần lớn trẻ em Việt Nam vẫn đang tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng với khoảng trên 1,5 triệu trẻ/năm. Thiết nghĩ, các bậc cha mẹ cần có sự lựa chọn cẩn trọng, tránh để con em mình mắc bệnh chỉ vì không tiêm vắc xin phòng bệnh kịp thời.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.