Multimedia Đọc Báo in

Ăn gì cũng thấy lo...!

09:17, 15/05/2015
Mới đây, Đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã kiểm tra các cơ sở thu mua, chế biến trái cây tại 2 huyện Krông Pak và Ea Kar, phát hiện một công ty có dấu hiệu sử dụng hóa chất để ép mít chín.
 
Tại khu vực để mít mới được mua về của công ty này, Đoàn kiểm tra phát hiện trên mỗi trái mít có một lỗ thủng nhỏ còn mới ở phần cuống và thân. Cạnh khu vực bảo quản trái mít, đã phát hiện một số hóa chất: 2 hộp ETHREL 40% (5ml x 12 lọ) dạng lỏng, xuất xứ từ Trung Quốc, đã được sử dụng gần hết; 1 lọ phân bón lá cao cấp HPC-97-HXN (loại dùng để kích thích trái cây nhanh chín) và dụng cụ dùng để bơm, tiêm hóa chất gồm: 2 chai nhựa loại 1,5 lít có dung dịch pha sẵn, trên đầu có ống dùng để bơm hóa chất; 1 dụng cụ xăm quả bằng sắt. Sự việc này một lần nữa khẳng định mối nghi ngờ bấy lâu của dư luận đối với việc một số cơ sở dùng hóa chất để ép mít xanh chín nhanh…

Còn nhớ, trong năm 2014, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra nhiều vụ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, điển hình là cơ quan chức năng đã phát hiện 2 cơ sở giết mổ gia súc cho bơm nước ao vào bụng trâu, bò trước khi giết mổ cho nước ngấm vào thịt để tăng trọng lượng.  Rồi đến những cơ sở sản xuất cà phê bột mà sản phẩm họ cho ra thị trường có thành phần chủ yếu bắp, đậu nành, hóa chất…, chỉ có một lượng rất nhỏ cà phê. Đây là một trong những vụ việc điển hình về vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, khiến người tiêu dùng thêm lo lắng khi mà thực phẩm họ mua về sử dụng hàng ngày liệu có bảo đảm chất lượng (?!).

Để bảo vệ sức khỏe của mình, một số người tiêu dùng đã không còn dám mua rau ở chợ về ăn do sợ nhiễm hóa chất, có người phải về tận vùng quê để mua rau sạch  do người thân của họ trồng. Trong khi đó, dân nghiện cà phê lại tìm đến các quán cà phê rang xay tại chỗ để bảo đảm rằng mình được uống ly cà phê nguyên chất...  Tuy nhiên, số người tiêu dùng có điều kiện như vậy rất ít mà phần đông họ vẫn phải “nhắm mắt” mua thực phẩm ở các chợ hoặc nhấm nháp cà phê ở bất cứ quán nào mà không có gì bảo đảm rằng thực phẩm đó an toàn!

Nhằm tạo môt môi trường chế biến, kinh doanh thực phẩm hợp vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng, trước hết các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, kiểm tra…, sớm phát hiện những vi phạm và xử lý thật nghiêm những cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn. Nhưng quan trọng là người tiêu dùng cần ý thức tự bảo vệ mình bằng cách tìm mua những sản phẩm đã được các cơ quan chức năng chứng nhận, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… để tránh tiền mất, tật mang.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.