Multimedia Đọc Báo in

Bệnh táo bón ở trẻ và cách chữa trị

09:07, 04/12/2016

Táo bón là tình trạng khoảng cách giữa hai lần đi cầu quá lâu, phân rắn, khó bài xuất phân. Bệnh táo bón ở trẻ em là mối lo lắng của rất nhiều bà mẹ bởi tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Việc nhận biết trẻ bị bệnh táo bón tùy thuộc vào biểu hiện và độ tuổi của trẻ. Trẻ nhỏ hơn 12 tháng thường có biểu hiện như: đi cầu phân cứng và có hình dáng giống như các viên bi tròn nhỏ; trẻ có thể khóc khi cố gắng rặn hay đi cầu ít lần hơn trước đó, nghĩa là trẻ đi cầu 1 lần/1-2 ngày so với thói quen trước đó là 3-4 lần/ngày; trẻ nhỏ có thể uốn cong lưng, khép chặt mông và khóc. Trẻ mới biết đi sẽ có biểu hiện lắc lư tới lui trong khi gồng chân và mông, uốn cong lưng, nhón gót, vặn vẹo, bồn chồn, có thể ngồi chồm hổm, hoặc có tư thế bất thường. Trẻ lớn hơn thì biểu hiện ở số lần đi cầu ít lần hơn bình thường hoặc than đau mỗi khi đi cầu.

Tiến sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Để phòng tránh bệnh táo bón ở trẻ, các mẹ cần cho bé ăn nhiều chất xơ để làm mềm phân. Cho bé ăn nhiều loại thức ăn giàu chất xơ như đậu, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả; uống nước đầy đủ. Bên cạnh đó các mẹ có thể cho bé sử dụng men vi sinh. Đó là những vi khuẩn có lợi cho đường ruột có nhiệm vụ biến đổi chất xơ thực phẩm, thức ăn chưa tiêu hóa hết ở ruột non thành các chất dinh dưỡng quan trọng khác. Các vi khuẩn có ích có khả năng tiêu diệt rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, giúp cho hệ miễn dịch tại đường ruột tăng cường hoạt động.

Khi tình trạng bệnh táo bón ở trẻ kéo dài trên một tuần, việc thay đổi chế độ ăn của mẹ dành cho bé không có tác dụng cải thiện; ngay khi được sinh ra, bé bị táo bón, bụng chướng và không đi vệ sinh được;  bé bị táo bón ảnh hưởng đến sức khỏe như sút cân, biếng ăn, suy dinh dưỡng, kèm theo nôn mửa… thì cần đưa trẻ đến khám và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế.               

Nguyệt Ánh


Ý kiến bạn đọc