Multimedia Đọc Báo in

Nhà thơ Chính Hữu tự họa

08:15, 18/07/2015
Họa sĩ tự vẽ chân dung mình đầu tiên trên thế giới là V.T.Tiziano năm 1562. F.J. de Goya, Van Gogh... cũng đều có tranh tự họa. Giống như họa sĩ, các nhà thơ cũng rất hay tự vẽ chân dung của mình.

Chẳng hạn, với Tú Mỡ thì:

Ở sở Phi năng có một thầy.

Người cao dong dỏng lại gầy gầy

Mặc thời xoàng xĩnh ưa lành sạch

Ăn chỉ thều thào thích tịnh chay...

Thế còn với Chính Hữu? Thi sĩ đương đại kiệm lời, vốn luôn luôn khiêm nhường, tự nhận mình chỉ là nhà thơ nghiệp dư, tài tử này cũng có đôi nét vẽ mình như sau:

Những đêm băn khoăn nên về hay nên ở

Cái vui cái buồn nửa có nửa không

Những mối tình một đời bỏ dở

Những bài thơ làm mãi không xong.

Đây là bức chân dung tinh thần của nhà thơ. Nhưng, với câu cuối cùng: Những bài thơ làm mãi không xong, thi sĩ có quá khắt khe không, trong khi, những bài thơ nổi tiếng của ông như Ngày về, Ngọn đèn đứng gác, Đầu súng trăng treo... được bạn đọc coi là những kiệt tác hoàn chỉnh? Hỏi ông, ông cười đáp:

- Tôi học tập Beaudelaire, thi sĩ Pháp, khi ông nói: Mỗi nhà thơ phải là một nhà phê bình!

Tự họa, quả nhiên là một sự tự khám phá, tự nhận thức vậy đó!

(Trích “101 chuyện làng Văn" của Hoàng Tuyên)


Ý kiến bạn đọc