Multimedia Đọc Báo in

6 nhóm thực phẩm tránh ăn khi đang bị tiêu chảy

08:58, 02/08/2015

Tiêu chảy là tình trạng đại tiện phân lỏng từ ba lần mỗi ngày trở lên với hai dạng là tiêu chảy cấp và tiêu chảy mạn tính. Nguyên nhân là do nhiễm trùng đường ruột vì virus, siêu vi hoặc ký sinh trùng. Chủ yếu là do ăn thức ăn hoặc đồ uống nhiễm khuẩn, không bảo đảm vệ sinh thực phẩm gây ra, nhất là trong bối cảnh trời nắng nóng. Để hạn chế tăng bệnh, khi bị tiêu chảy nên tránh xa nhóm thực phẩm dưới đây.

1.Sản phẩm sữa

Ngay cả nhóm người không bị mắc bệnh dung nạp lactose, tức dùng sữa không bị dị ứng cũng nên tránh xa các sản phẩm sữa khi đang bị tiêu chảy. Tiêu chảy có thể làm giảm số lượng của các lactase enzyme. Lactase rất cần thiết để giúp cơ thể tiêu hóa lactose, một loại đường có trong các sản phẩm sữa. Nếu loại "đường sữa" không được tiêu hóa có thể dẫn đến các triệu chứng nặng hơn như đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn và làm cho tiêu chảy thêm trầm trọng. Một số loại thực phẩm có chứa đường lactose nên tránh như bơ, phô mai mềm, kem, sữa. Riêng sữa chua lại được xem là một ngoại lệ cho nhóm người đang bị tiêu chảy. Các chế phẩm sinh học có trong sữa chua thực sự hữu ích, giúp nhanh khỏi bệnh. Vì vậy nên dùng sữa chua, tránh dùng nhóm sữa chứa nhiều đường.

2. Thực phẩm giàu chất béo

Thực phẩm có hàm lượng chất béo cao có thể làm gia tăng các cơn co thắt ruột và làm cho bệnh tiêu chảy thêm nặng, tăng số lần đại tiện. Nên tránh những thực phẩm dạng kem, thức ăn nhanh, thịt động vật và các loại đồ ăn dạng lỏng nhiều dầu mỡ.

3. Thực phẩm chứa chất ngọt nhân tạo

Một số chất ngọt nhân tạo thay thế đường được xem là có hiệu ứng nhuận tràng, góp phần làm tăng nguy cơ đầy hơi, chướng bụng và làm cho bệnh thêm nặng. Rất đa dạng như đồ uống sôđa, các loại kẹo, cà phê và trà dùng chất ngọt nhân tạo.

4. Nhóm thực phẩm sản sinh khí gas

Đây là nhóm thực phẩm ngon mắt, ngon miệng nhưng lại là thủ phạm phát sinh khí gas trong đường ruột, góp phần làm cho bệnh tiêu chảy thêm nặng, như các loại thực phẩm họ đậu, bông cải xanh, bắp cải, súp lơ, hành tây. Một số loại trái cây cũng thuộc nhóm sinh khí như đào, lê, mận, hoa quả khô (mơ, mận khô, nho khô).

5. Rượu, cà phê và đồ uống có gas

Đối với nhóm người khỏe mạnh, đồ uống có chứa cồn, caffeine, và cacbonat không không gây tiêu chảy. Tuy nhiên, do khả năng sức khỏe của từng người, đặc biệt là hiệu ứng chất kích thích tiêu hóa (GI) hay còn gọi là chỉ số đường huyết thực phẩm, nên khi bị tiêu chảy cần tránh nhóm đồ uống này. Ngoài ra cũng không nên dùng nhóm đồ uống có gas, bởi các thành phần trong đồ uống dạng soda có thể làm cho bệnh tình thêm trầm trọng. Sự lựa chọn thông minh khi bị tiêu chảy là uống nhiều nước lọc đun chín, để nguội, vừa rẻ tiền, có sẵn lại an toàn.

6. Nhóm thực phẩm không an toàn

Cho dù mắc bệnh tiêu chảy hay khỏe mạnh cũng nên tránh xa nhóm thực phẩm không an toàn, chỉ nên dùng nhóm thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh  thực phẩm, được canh tác, bảo quản an toàn và chế biến an toàn. Chú ý đến các tiêu chí vệ sinh, rửa tay kỹ trước khi chuẩn bị bất kỳ loại thực phẩm nào, nên rửa thật sạch tất cả các loại trái cây tươi và rau quả. Tất cả các loại thực phẩm nên nấu đến mức nhiệt độ trên 160 độ F (trên 71 độ C). Thực phẩm thừa nên đưa ngay vào tủ lạnh để bảo quản.

Khắc Nam

(Theo AH - 7/2015)


Ý kiến bạn đọc