Multimedia Đọc Báo in

Sau mưa lấp lánh (kỳ 9)

09:07, 23/02/2020

[links(left)]

Khi Quỳnh tốt nghiệp lớp 12 cũng là lúc H’Duyn bắt chồng.

Từ cuối năm học lớp 11, sau kỳ nghỉ hè, H’Duyn gửi lại cho cô giáo chủ nhiệm lá đơn xin nghỉ học. H’Duyn phải dở dang chuyện học hành về chăm bà vì sau lần ngã cầu thang, bà nằm liệt một chỗ. Lớp khóc nhiều lắm. Cả Quỳnh, cả mấy đứa trong lớp bắt xe đò về nhà khuyên H’Duyn đi học lại. Nhưng vừa vào nhà, nhìn thấy Duyn đang tất tả đút cơm cho bà, rồi bươn bả ra rẫy hái cà thì không đứa nào mở miệng được lời nào. Cả đám bạn xúm nhau hái được năm bao cà phê rồi kéo nhau về trường. Trên đường về, không hẹn mà mắt đứa nào cũng đỏ hoe.

Rồi cuối năm lớp 12, Duyn viết cho cả lớp lá thư báo tin bắt chồng. Thư H’Duyn viết vì nhà chẳng có đàn ông nên phải bắt chồng. Chồng không phải người Êđê trong làng mà là người Kinh ở xứ khác đến làm thuê cho người làng. Vì thế không đòi hỏi nhiều tiền, nhiều lễ vật. H’Duyn cưới mà không báo cho bạn bè hay tin, kể cả Quỳnh.

Con gái ở buôn đứa nào không đi học thì 15, 16 tuổi là bắt chồng. Năm trước năm sau đã đứa dắt tay đứa địu trước ngực rồi. Duyn cũng có khác gì đâu.

***

Dung đỡ Quỳnh từ taxi, say rũ như tàu lá. Quỳnh chỉ đủ sức chống chọi với sếp ở trước cửa thang máy. Em tự về được. Các anh cứ đi chơi vui vẻ. Khi cửa thang máy đóng lại là lúc Quỳnh không thể gượng đứng được nữa.

Khi về được phòng trọ, Quỳnh nôn thốc nôn tháo rồi mê mệt suốt đêm. Lúc tỉnh dậy, Quỳnh thấy Dung đang trang điểm bên bàn phấn, nét mặt lạnh băng:

- Tao mua phở cho mày rồi. Ăn đi rồi uống ly nước cam cho tỉnh người. Đi làm ngày đầu tiên mà để say vậy thì chưa đầy một tuần hắn ta ném mày ra khỏi cửa thôi em ạ.

- Mình có muốn đâu.

- Không phải muốn hay không. Mày phải tỉnh táo trước những người đàn ông. Đàn ông như lão sếp mày thì…

Dung đứng dậy, bỏ lửng câu nói. Tô phở bốc khói thơm lừng nhưng Quỳnh thấy lợm giọng. Dư âm của rượu làm Quỳnh thấy nôn nao. Đông đến. Dung nghe tiếng xe máy của Đông thì xách giỏ đứng lên, bâng quơ:

- Đông đến kìa.

Dung đi được gần 15 phút rồi mà Đông vẫn đứng yên ở ngoài cửa. Quỳnh ngồi yên lặng trong phòng trọ, không cất được tiếng gọi. Nghĩ mãi mà chẳng biết giải thích thế nào cho Đông hiểu. Có vẻ như Đông buồn. Đột ngột, Đông quay xe, nổ máy và đi thẳng một mạch. Không muốn khóc mà nước mắt Quỳnh tuôn tràn trên má.

Thì ra, có những nỗi buồn càng lúc càng trĩu nặng. Như Quỳnh sáng nay.

Bỗng dưng Quỳnh thấy giận Dung thế. Giá như Dung nói giúp Quỳnh một vài câu thì chắc Đông không giận đến mức không buồn bước chân vào phòng hỏi lấy một câu. Dung đó. Có phải hiền lành gì đâu. An vẫn bảo Quỳnh chuyển đi ở nơi khác. Chứ Dung bây giờ thay đổi nhiều quá, ngày nào cũng về khuya, son phấn là lượt, lúc nào cũng sực nức nước hoa. Lúc nào cũng nói những lời chua chát và sũng buồn. Dung không tin vào điều gì là tốt đẹp còn tồn tại giữa Sài Gòn. Dung trong trẻo của trường nội trú khi xưa có lẽ chỉ còn là ký ức.

Nhưng người buồn vì sự thay đổi ấy có lẽ là Phong. Quỳnh xót xa khi nhìn vào ánh mắt Phong mỗi khi cậu ấy đến phòng tìm Dung. Phong thường ngồi ở bàn uống nước giữa phòng, so dây đàn nhưng không bao giờ đàn. Phong bảo có bài hát mới sáng tác, chờ Dung về đàn cho cả phòng cùng nghe. Nhưng chẳng hôm nào Phong gặp. Vì Dung về muộn. Đến mức khi Dung về, Quỳnh chẳng bao giờ biết, vì lúc ấy Quỳnh đã chìm trong giấc ngủ tự khi nào.

Vậy mà hôm nay Dung lại giận dữ khi Quỳnh say.

Nhưng không phải hôm ấy Đông bỏ đi.

Đông chạy đi mua cho Quỳnh lọ nước giải rượu. Rồi một túi cam. Đông nhìn Quỳnh bằng đôi mắt ấm áp nhưng có chút hờn giận:

- Quỳnh là người lớn rồi, phải biết tự chăm sóc mình. Có muốn giúp Quỳnh cũng không phải lúc nào cũng giúp được. Quỳnh à. Mình lo.

Quỳnh sững sờ. Mắt cay xè. Đông cứ đứng mãi ở cửa. Quỳnh muốn kéo Đông lại, dựa vào bờ vai gầy mà vững chãi của Đông biết mấy. Nhưng làm sao mà mở lời.

***

Quỳnh gặp lại Y Long lúc quay về trường nội trú nhận bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Y Long không nhận ra Quỳnh.

Quỳnh cũng không nhận ra Y Long. Vì anh ấy nhìn lạ lắm. Anh chàng cán bộ Đoàn điển trai, ham mê tập luyện thể thao ngày nào bây giờ béo tròn, da đen bóng, nhất là bụng phệ hẳn xuống. Quỳnh cười bối rối:

- Em chẳng nhận ra anh Y Long nữa đấy.

- Ừ. Bạn bè cùng lớp anh cũng nói thế. Nhìn anh xấu lắm đúng không?

Y Long gãi đầu. Rồi anh kể về cuộc sống của mình hiện tại. Y Long về làm việc ở xã. Ngoài giờ làm việc thì làm rẫy, trồng tiêu và cà phê. Cũng vừa đủ ăn. Năm nay vất vả lắm thì cà phê cũng hạ mà tiêu cũng xuống giá. Đã có vợ và hai đứa con. Bọn trẻ cách nhau một năm tuổi.

Nghe Y Long thao thao mà Quỳnh thấy trong lòng ngổn ngang quá đỗi. Các bạn Quỳnh cũng giống Y Long. Hễ ai không đi học đại học hay đi học nghề ở thành phố, cứ về buôn làng là lấy vợ lấy chồng thật sớm.

Bỗng dưng Quỳnh nghĩ đến H’Duyn. Chắc giờ này Duyn đã con dắt con bế không chừng.

Rồi bao nhiêu đứa bạn Quỳnh cũng chọn con đường giống thế. Quỳnh cũng không biết nữa. Chỉ thấy lòng chống chếnh quá thôi.

(Còn nữa)

 Truyện dài của Niê Thanh Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.