Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Tố cáo năm 2018 (Kỳ 5)

07:34, 30/06/2019

Câu 25. Khi nào việc giải quyết tố cáo bị đình chỉ?

Người giải quyết tố cáo ra quyết định đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi có một trong các căn cứ sau đây:

- Người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo (trừ trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo);

- Người bị tố cáo là cá nhân chết và nội dung tố cáo chỉ liên quan đến trách nhiệm của người bị tố cáo;

- Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Câu 26. Người tố cáo có được quyền tố cáo tiếp không?

Có. Theo quy định thì người tố cáo được quyền tố cáo tiếp trong các trường hợp sau: (1) Trường hợp quá thời hạn quy định để giải quyết tố cáo mà tố cáo chưa được giải quyết, người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người giải quyết tố cáo; (2) Trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng quy định của pháp luật thì người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo.

Câu 27. Khi nào thì việc giải quyết lại vụ việc tố cáo được thực hiện?

Việc giải quyết lại vụ việc tố cáo được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau đây:

- Kết quả xác minh hoặc kết luận nội dung tố cáo thiếu chính xác hoặc thiếu khách quan;

- Bỏ sót, bỏ lọt thông tin, tài liệu, chứng cứ quan trọng trong khi xác minh hoặc kết luận nội dung tố cáo;

- Áp dụng không đúng pháp luật trong quá trình xác minh hoặc kết luận nội dung tố cáo.

Câu 28. Khi nào người tố cáo được biết về kết luận nội dung tố cáo?

Chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo phải thông báo về kết luận nội dung tố cáo đến người tố cáo.

Câu 29. Việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo được quy định như thế nào?

Theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018  thì trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày ra kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận nội dung tố cáo, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công khai quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo. Việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo phải bảo đảm không làm tiết lộ thông tin về người tố cáo và những nội dung thuộc bí mật nhà nước.

Câu 30.  Xin cho biết các hình thức công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo?

Việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức sau đây:

- Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị tố cáo công tác;

- Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của người đã giải quyết tố cáo, người đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo;

- Đăng tải trên cổng thông tin điện tử hoặc mạng thông tin nội bộ của người đã giải quyết tố cáo, người đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo;

- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

(Còn nữa)

Vũ Thị Minh Ngân (Sở Tư pháp)

[links()]


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.