Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Kỳ 5)

09:56, 11/05/2020

Câu 26. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gì trong việc thực hiện kiểm dịch y tế biên giới?

Điều 37 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm dịch y tế biên giới, như sau:

(1) Người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam; chủ phương tiện hoặc người quản lý phương tiện vận tải, hàng hóa, nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam; thi thể, hài cốt, mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người vận chuyển qua biên giới Việt Nam phải thực hiện việc khai báo y tế; chấp hành các biện pháp giám sát, kiểm tra, xử lý y tế và nộp phí kiểm dịch y tế theo quy định của pháp luật.

(2) Tổ chức kiểm dịch y tế biên giới có trách nhiệm tổ chức thực hiện nội dung kiểm dịch y tế quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và cấp giấy chứng nhận xử lý y tế.

(3) Các cơ quan chức năng tại cửa khẩu có trách nhiệm phối hợp với tổ chức kiểm dịch y tế biên giới trong việc thực hiện kiểm dịch y tế biên giới.

(4) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan của các nước, các tổ chức quốc tế trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại khu vực biên giới.

(5) Chính phủ quy định chi tiết về kiểm dịch y tế biên giới (Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25-6-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới).

Câu 27. Nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn, điều kiện công bố dịch được quy định như thế nào?

Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn công bố dịch, như sau:

(1) Việc công bố dịch được thực hiện theo nguyên tắc: (i) Mọi trường hợp có dịch đều phải được công bố; (ii) Việc công bố dịch và hết dịch phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.

(2) Thẩm quyền công bố dịch: (i) Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C; (ii) Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch; (iii) Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.

(3) Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị công bố dịch, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quyết định việc công bố dịch.

(4) Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể điều kiện công bố dịch.

 Điều 2 Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm, như sau:

(1) Đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A: có ít nhất một người bệnh được chẩn đoán xác định.

(2) Đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C: (i) Một xã, phường, thị trấn được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ 3 năm gần nhất; (ii) Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên; (iii) Một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên.

Câu 28. Pháp luật quy định việc công bố dịch bao gồm những nội dung gì?

Điều 39 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định nội dung công bố dịch, gồm: Tên bệnh dịch; Thời gian, địa điểm và quy mô xảy ra dịch; Nguyên nhân, đường lây truyền, tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch; Các biện pháp phòng, chống dịch; Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm.

Các nội dung nêu trên phải được thông báo kịp thời cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để triển khai các biện pháp chống dịch.

Câu 29. Điều kiện và thẩm quyền công bố hết dịch được pháp luật quy định như thế nào?

Điều 40 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về điều kiện và thẩm quyền công bố hết dịch, như sau:

(1) Điều kiện để công bố hết dịch bao gồm: (i) Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định và đáp ứng các điều kiện khác đối với từng bệnh dịch theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; (ii) Đã thực hiện các biện pháp chống dịch: Thành lập Ban chỉ đạo chống dịch; khai báo, báo cáo dịch; tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức cách ly y tế; vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân và các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch; kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A; thực hiện các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch; huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch; hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch.

(2) Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố hết dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế; Bộ trưởng Bộ Y tế công bố hết dịch theo đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch theo đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế.

Câu 30. Việc đưa tin về tình hình dịch; đưa tin trong tình trạng khẩn cấp về dịch được pháp luật quy định như thế nào?

Điều 41 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định việc đưa tin về tình hình dịch, như sau: Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm đưa tin chính xác, kịp thời và trung thực về tình hình sau khi dịch đã được công bố và công bố hết dịch theo đúng nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp.

Điều 45 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định đưa tin trong tình trạng khẩn cấp về dịch, như sau:

(1) Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân có trách nhiệm đăng ngay toàn văn nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ tổ chức thi hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; đưa tin kịp thời về các biện pháp đã được áp dụng tại địa bàn có tình trạng khẩn cấp và tình hình khắc phục hậu quả dịch; đăng toàn văn nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước ban bố hoặc bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, tổ chức và nơi công cộng.

(2) Các phương tiện thông tin đại chúng khác ở trung ương và địa phương có trách nhiệm đưa tin về việc ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch và quá trình khắc phục hậu quả dịch.

(Còn nữa)

Nguyễn Tuấn Quang (Sở Tư pháp)

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.