Multimedia Đọc Báo in

Du xuân nơi miền Đất Tổ

12:10, 17/02/2017

Đất Tổ Phú Thọ, miền đất hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi cội nguồn để muôn dân đất Việt dù đi đến chân trời góc bể vẫn luôn hướng về.

Mỗi khi mùa xuân về, Phú Thọ lại đón hàng vạn du khách thập phương về du xuân, vãn cảnh, thắp nén nhang trầm trước anh linh tiên tổ…

Ngược triền sông Thao hiền hòa, hai bên bờ là rừng cọ đồi chè hữu tình thơ mộng, du khách như được sống trong một miền huyền thoại. Điểm dừng chân đầu tiên của du khách là Đền Hùng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Trong những ngày xuân, Đền Hùng đón hàng nghìn du khách hành hương về chiêm bái. Bởi lẽ, đây từ lâu không chỉ là nơi thờ tự các Vua Hùng mà còn là nơi hội tụ hồn thiêng của dân tộc, của núi sông và tâm hồn người Việt. Du khách sẽ đến chiêm bái những ngôi đền thiêng trên núi Nghĩa Lĩnh như Đền Thượng, Đền Trung, Đền Giếng, đứng trên núi Nghĩa Lĩnh, phóng tầm mắt bốn phía cảm nhận rõ rệt vẻ đẹp trù phú, tươi tốt của Đất Tổ.

Nghi lễ dâng hương hoa trong lễ tế Mẫu Âu Cơ.
Nghi lễ dâng hương hoa trong lễ tế Mẫu Âu Cơ.

Đi trên Quốc lộ 32C, men theo dòng sông Hồng chừng 80 km, du khách sẽ dừng chân tại xã Hiền Lương, nơi tọa lạc ngôi đền thờ Mẫu Mẹ Âu Cơ, người được mệnh danh là “Đệ nhất Tiên Thiên Công chúa”. Về Hiền Lương những ngày xuân để nghe kể về huyền tích Mẫu Mẹ Âu Cơ đưa 50 người con đi khai thiên lập địa và dừng chân nơi đây. Người dân Hiền Lương đến nay còn truyền nhau mãi câu ca như một sự hội tụ, đoàn kết: “Anh em Bách Việt ta ơi!/ Ngày xuân thong thả tới nơi xem tường/Dân ngày hội tế Mẫu Vương/Người sinh ra tổ Hùng Vương nước nhà”….

Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân - một không gian linh thiêng nơi đất Tổ.
Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân - một không gian linh thiêng nơi đất Tổ.

Xuân về, Phú Thọ còn là miền đất có nhiều điểm đến để du khách khám phá, chiêm ngưỡng bên cạnh văn hóa tâm linh. Đó là những điểm du lịch sinh thái nổi tiếng như vườn quốc gia Xuân Sơn (Tân Sơn), khu du lịch Ao Giời - Suối Tiên (Hạ Hòa), đầm Ao Châu (Hạ Hòa), suối nóng Thanh Thủy (Thanh Thủy)… cùng văn hóa làng bản của người Mường ở Thanh Sơn, Tân Sơn. Đặc biệt là chiêm ngưỡng “lãnh địa” của loài gà vốn được biết đến trong truyền thuyết, đó là gà chín cựa ở bản Cỏi (Xuân Sơn, Tân Sơn)… Trong không khí náo nức của mùa xuân, khắp nơi trên miền Đất Tổ, du khách còn được cảm nhận những ca từ đậm chất dân gian của những làn điệu hát xoan, hát ghẹo. Tại các làng xoan ở thành phố Việt Trì những ngày đầu xuân, các nghệ nhân xoan tập trung tại các ngôi đình, chùa cổ kính để biểu diễn những bài hát xoan như đón đào, mó cá, đố hoa…

Mùa xuân về cũng là mùa lễ hội nơi miền Đất Tổ. Mở đầu là lễ hội hát Xoan của làng Kim Đức và làng xoan An Thái (TP. Việt Trì) từ mùng 2 tết. Đến ngày mùng 7 tháng giêng, nhân dân xã Hiền Lương (Hạ Hòa) tưng bừng khai hội đền Mẫu Âu Cơ. Cùng ngày là lễ hội đền Chu Hưng tại  xã Ấm Hạ (Hạ Hòa) nơi thờ Côn Nhạc Đại vương, vị tướng thời Hùng Vương có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi.

Trong tháng giêng, tháng hai và đến hết tháng 3 âm lịch, miền quê Phú Thọ rộn rã không khí hội làng. Đó là các lễ hội ném chài, lễ hội Hạ Điền của người Mường ởThu Cúc; lễ hội đền Du Yến ở xã Chí Tiên; lễ hội Đền Lăng Sương; lễ hội rước ngựa làng ở xã Hiền Đa; lễ hội cướp phết ở Hiền Quan; lễ hội Đền Hùng giỗ Tổ Hùng Vương; lễ hội Đền Nghè, xã Văn Lang… Bên cạnh những lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, ở Phú Thọ còn có những lễ hội gắn liền với quan niệm của người dân Đất Tổ về sự phồn thực, sinh sôi. Đó là lễ hội Trò Trám ở xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao), còn gọi là lễ hội “Linh tinh tình phộc”, được tổ chức vào đêm ngày 11 tháng giêng và kết thúc vào ngày 12. Điều đặc biệt ở lễ hội Trò Trám từ bao năm nay vẫn được người dân duy trì là “lễ mật”, “lễ mật” gắn với âm thanh phát ra từ ông thủ từ “linh tinh tình phộc”.

Hành hương về nơi nguồn cội những ngày đầu xuân, mỗi người dù ở phươmg trời nào cũng cảm nhận được sự thiêng liêng và tự hào trong tâm hồn.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc