Multimedia Đọc Báo in

Trải nghiệm thác nước đường biên

16:52, 26/09/2020

Nằm trên đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc, thác Bản Giốc (Cao Bằng) thu hút du khách không chỉ ở cảnh quan thiên nhiên  hùng vĩ mà còn ở vị trí địa lý, ý nghĩa lịch sử hết sức đặc biệt.

Với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, ngoạn mục, thác Bản Giốc được xếp vào top những danh thắng đẹp nhất Việt Nam, là thác nước đẹp bậc nhất Đông Nam Á, là nguồn cảm hứng bất tận của giới nghệ sĩ và đi vào nghệ thuật tạo hình với những tác phẩm hội hoạ, nhiếp ảnh đặc sắc.  Đây cũng là một trong 4 thác nước biên giới nổi tiếng trên thế giới, nên mọi thông tin, hình ảnh về thác được giới thiệu khá đầy đủ, chi tiết trên các trang du lịch, văn hóa.

Thật thú vị khi đứng trên triền dốc ngắm dòng thác như dải lụa bạch trên nền áo xanh của núi rừng, với tiền cảnh là những thửa ruộng bậc thang của đồng bào Tày, Nùng sinh sống quanh xóm Bản Giốc, hậu cảnh là những dãy núi trùng điệp của cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc, mờ ảo trong bụi nước bảng lảng khói sương. Dưới ánh nắng mặt trời, bụi nước hắt lên tạo nên những cầu vồng rực rỡ sắc màu khiến thác nước thêm huyền ảo.

Toàn cảnh thác Bản Giốc.
Toàn cảnh thác Bản Giốc.

Thú vị hơn là được lên thuyền ra giữa thác, tận hưởng thiên nhiên kỳ thú với dòng chảy vừa cuồn cuộn tung bọt trên những bậc đá vôi cao vút. Dập dềnh trên mặt gương thăm thẳm in bóng mây trời núi non, giữa mịt mờ khói sóng bụi nước tinh khiết bao phủ, tưởng như có thể chạm tay vào bức tường nước trắng xóa đang ào ạt tuôn réo ngay trước mặt, thật khó tả hết vẻ diệu kỳ của bức tranh thiên nhiên sống động.

Nhưng giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ ấy, điều tôi ấn tượng nhất là câu chuyện về việc phân giới cắm mốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ gắn với dòng sông, thác nước này. Cùng với khung cảnh kỳ vĩ của dòng thác, hình ảnh đáng nhớ được lưu lại chính là cồn đá chính giữa thác, vị trí đánh dấu mốc phân giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Cùng với khung cảnh kỳ vĩ của dòng thác, hình ảnh đáng nhớ được lưu lại chính là cồn đá chính giữa thác, vị trí đánh dấu mốc phân giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Thác Bản Giốc nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn, con sông bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy vào lãnh thổ Việt Nam, uốn lượn dưới chân núi Cô Muông, trên các cánh đồng, bờ bãi quanh Bản Giốc và trở lại đường biên giới rồi tách ra thành nhiều nhánh, đến đây lòng sông đột ngột sụt thấp xuống hàng chục mét, đổ qua nhiều bậc núi đá vôi tạo thành thác nước hùng vĩ, gồm hai thác phụ và một thác chính. Với đặc điểm đó, thác có ý nghĩa đặc biệt trong việc phân định biên giới quốc gia. Bao đời nay, các cư dân sinh sống trên dải đất này đã ngày đêm canh giữ từng bờ cây, ngọn cỏ của đất nước mà cha ông để lại. Khó có thể kể hết tâm lực và cả máu xương mà người lính biên phòng và nhân dân  Cao Bằng đã đổ ra để bảo vệ và gìn giữ tặng vật mà thiên nhiên ban cho miền đất này. Chỉ có thể nói ngắn gọn rằng, bây giờ, hai bên “dải Ngân Hà tuột khỏi chín tầng trời” đã được cắm mốc rõ ràng, bên phía Việt Nam là mốc 836 (2), bên đất Trung Quốc là mốc 836 (1). Ngay phía trên đỉnh thác, các hộ dân thôn Cô Muông vẫn luôn canh giữ mốc giới cùng tổ công tác biên phòng. Đường biên giới phân định đi từ cột mốc 835 trên cồn Pò Thoong chạy xuống điểm giữa của mặt thác chính, rồi chạy dọc theo dòng chảy sâu nhất của sông Quây Sơn. Theo Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc (năm 1999), phía Việt Nam sở hữu phần thác phụ và một nửa thác chính, phía Trung Quốc sở hữu một nửa thác chính phía bờ bắc sông Quây Sơn. Mặt sông phía chân thác thành khu vực khai thác du lịch chung, khách từ hai bên bờ đều có thể lên bè, lênh đênh trên sông để ngắm thác từ nhiều góc độ.

Du lịch ngày càng phát triển, hạ tầng được đầu tư, thu hút du khách đến thác nước đường biên này ngày càng đông, ai cũng muốn được một lần lên bè ra giữa sông ngắm thác và thả hồn đắm chìm giữa  thiên nhiên kỳ vĩ. Trên dòng nước lặng lờ trôi, du khách khó lòng phân định lằn ranh biên giới, chỉ cùng nhau vui vẻ tận hưởng tuyệt tác thiên nhiên trong khung cảnh thanh bình. Nhưng tự trong sâu thẳm tâm thức, mỗi người dân đất Việt đều hướng về nơi đây với niềm tự hào, xúc động, không chỉ về danh thắng quốc gia mà còn về chủ quyền lãnh thổ. 

Hoa Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.