Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn, phát huy Di sản Văn hóa Cồng chiêng Đắk Lắk giai đoạn 2012-2015: Vẫn chỉ là bề nổi (!)

09:26, 14/05/2016

Sau khi UNESCO công nhận Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản của nhân loại (tháng 11-2005), Đắk Lắk đã nhanh chóng xây dựng và thực hiện đề án bảo tồn di sản này. Đến nay, qua 2 giai đoạn bảo tồn (2007-2010) và (2012-2015) với kinh phí hơn 55 tỷ đồng, các cấp chính quyền địa phương cũng như các ban, ngành chức năng chỉ mới giải quyết “phần nổi” của vấn đề bảo tồn, phát huy di sản trước biến chuyển của đời sống đương đại.

Thống kê đầu việc

Theo báo cáo của Sở VH-TT-DL, 2 giai đoạn bảo tồn, phát huy Di sản Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (được HĐND tỉnh thông qua) đã làm được những “đầu việc” như sau: Tổng điều tra cồng chiêng trên địa bàn tỉnh; Tuyên truyền, mở lớp dạy đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng cho các thành viên trong cộng đồng; Bảo tồn không gian văn hóa tại một số buôn làng; Phục dựng các lễ hội truyền thống; Tổ chức liên hoan, giao lưu văn hóa cồng chiêng; Hội nghị, hội thảo chuyên đề về cồng chiêng…

Đội cồng chiêng buôn Kô Siêr (TP. Buôn Ma Thuột) biểu diễn tại nhà văn hóa cộng đồng.  Ảnh: Hoàng Gia
Đội cồng chiêng buôn Kô Siêr (TP. Buôn Ma Thuột) biểu diễn tại nhà văn hóa cộng đồng. Ảnh: Hoàng Gia

Nhìn lại kết quả thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk” trong cả 2 giai đoạn, đặc biệt là từ năm 2012-2015 khiến nhiều người băn khoăn. Với kinh phí ở thời điểm đó là 49 tỷ đồng (giai đoạn 2), đề án đã thực hiện được mấy việc: Mở 4 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ (huyện Krông Pắc, Cư Kuin, Cư M’gar và Lắk); 2 lớp truyền dạy chỉnh chiêng cho nghệ nhân người Êđê, M’nông ở huyện Cư M’gar và TP. Buôn Ma Thuột; 1 lớp tập huấn công tác sưu tầm nghi lễ - lễ hội cho 36 học viên là cán bộ văn hóa cơ sở; Trang bị cho đội chiêng nữ buôn Trấp 1 bộ chiêng Jho (kèm trống) và Nhà văn hóa cộng đồng xã Ea Phê (Krông Pắc) 1 bộ chiêng Êđê; Hỗ trợ kinh phí cho 15 đội chiêng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, ngành văn hóa có tổ chức một số buổi giao lưu trình diễn cồng chiêng tại một số địa phương trong tỉnh và toàn quốc do một số cơ quan, đơn vị ở Trung ương mời tham gia… Qua những “đầu việc” đã thực hiện nói trên, Sở VH-TT-DL đánh giá: “Nhìn chung việc triển khai thực hiện bảo tồn, phát huy Di sản Văn hóa Cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2012-2015 đã đem lại những hiệu quả thiết thực về việc bảo tồn, phát huy các giá trị Văn hóa Cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk trong Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; góp phần giáo dục ý thức, trách nhiệm cho mọi thành viên trong cộng đồng và toàn xã hội về việc giữ gìn có hiệu quả Không gian Văn hóa Cồng chiêng Đắk Lắk - Tây Nguyên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế…”.

Những góc nhìn khác        

Nhiều người cho rằng đánh giá của ngành văn hóa là quá “chung chung”, nếu không nói là thiếu xác đáng. Bởi từ năm 2012 đến nay, trải qua 2 giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị cồng chiêng (có đề án được thẩm định cộng kinh phí được ấn định), nhưng chỉ mới thực hiện được “phần ngọn”, còn “gốc rễ” của vấn đề chưa chạm tới. Ví như việc sưu tầm, chỉnh lý các bài chiêng (cổ và mới) để làm căn cơ bảo tồn, phát triển vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi điều hệ trọng này được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên như ông Vũ Lân, bà Linh Nga Niê Kdăm (Chi hội Văn nghệ dân gian Đắk Lắk) cảnh báo rằng “chảy máu” cồng chiêng không đáng lo bằng mất bài bản cồng chiêng, vì đó chính là hạt nhân, là trung tâm của Không gian Văn hóa cồng chiêng. Mất “bài bản” ở đây đồng nghĩa với mất dần nghệ nhân - người nắm giữ nhịp sống cồng chiêng trong các buôn làng. Những nhà nghiên cứu này dẫn chứng, cứ nhìn vào các kỳ Lễ hội Văn hóa - Thể thao, trong đó có gắn kết mật thiết với yếu tố cồng chiêng được tổ chức trên địa bàn Đắk Lắk trong thời gian qua sẽ thấy, cứ lần sau thì bài chiêng đi kèm với nghệ nhân diễn tấu lại ít đi và “teo tóp” dần, vì lẽ tất yếu là người già ra đi mà không có người trẻ kế thừa. Thực tế này ngày càng trở nên bức bách, nhức nhối trong đời sống sinh hoạt văn hóa của các cộng đồng dân tộc nói riêng và sự nghiệp bảo tồn, phát huy Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên nói chung.

Các nghệ nhân  biết thẩm âm và chỉnh chiêng ở Đắk Lắk tham gia nội dung bảo tồn cồng chiêng Tây Nguyên tại Tuần lễ văn hóa được tổ chức ở thành phố Kon Tum vào trung tuần tháng 3-2016.
Các nghệ nhân biết thẩm âm và chỉnh chiêng ở Đắk Lắk tham gia nội dung bảo tồn cồng chiêng Tây Nguyên tại Tuần lễ văn hóa được tổ chức ở thành phố Kon Tum vào trung tuần tháng 3-2016.

Thứ đến là vấn đề bảo tồn, gìn giữ không gian văn hóa của buôn làng truyền thống đến nay vẫn chưa được quan tâm, triển khai đúng mức. Do vậy mà hiện nay không ít buôn làng truyền thống của người Êđê, M’nông, Sê Đăng trên địa bàn tỉnh đã trở nên mờ nhạt và biến mất trước những tác động tiêu cực của đời sống xã hội và nhất là trước “cơn lốc” đô thị hóa tràn tới. Anh Y Wol Niê ở buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi - TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng, Nhà nước nên hỗ trợ một phần kinh phí giúp bà con nâng cấp, sửa sang lại những ngôi nhà dài cho tươm tất, đàng hoàng hơn để không gian sống (đồng thời là không gian văn hóa-lịch sử) của cộng đồng người Êđê ở đây không bị xáo trộn và đổ vỡ. Theo đó, cần khuyến khích và tạo điều kiện để bà con gắn bó với những nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, làm đồ mỹ nghệ nhằm cải thiện cuộc sống mà không làm ảnh hưởng tới buôn làng. Y Wol quả quyết rằng, buôn làng còn thì cồng chiêng không bao giờ mất! Còn ông Y Ka Byă (ở khu du lịch buôn Trí A, xã Krông Ana-Buôn Đôn) thừa nhận, bà con hạ ngôi nhà dài xuống để làm cái nhà mái bằng cũng là việc “cực chẳng đã” vì cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Để lại cái nhà dài thì buôn làng đẹp thật, nhưng lấy đâu ra chỗ buôn bán, mở dịch vụ phục vụ khách du lịch. Giá như có tiền để quy hoạch, xây dựng buôn Trí A này thành điểm đến du lịch với đời sống, sinh hoạt thuần túy và đầy bản sắc như xưa thì không gì bằng. Khi ấy, người dân không những được hưởng lợi từ doanh thu của ngành du lịch mang lại, mà còn bảo tồn được toàn vẹn cả buôn làng, trong đó linh hồn của nó là ngôi nhà dài và tiếng chiêng ngân vọng…

Rõ ràng nhu cầu khôi phục, bảo tồn buôn làng truyền thống của các cộng đồng dân tộc ở đây là mạnh mẽ, tha thiết vô cùng. Vậy tại sao phải quay lưng với họ, không lấy đó làm điều cơ bản để triển khai và thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng? Câu hỏi này được Sở VH-TT-DL (cơ quan được giao trách nhiệm chính trong việc triển khai đề án qua từng giai đoạn) trả lời qua văn bản báo cáo UBND tỉnh rằng, kinh phí bố trí thực hiện các nội dung đề án, trong đó có hai vấn đề được cho là quan trọng, cấp bách nói trên còn hạn chế (!?) Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản biện lại: “Kinh phí hạn chế” là bao nhiêu? Được biết kinh phí cho Đề án Bảo tồn, phát huy Không gian Văn hóa Cồng chiêng Đắk Lắk, giai đoạn 2012-2015” là 49 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tiêu tốn hơn 12 tỷ đồng, chưa kể các nguồn hỗ trợ khác từ các chương trình, mục tiêu Quốc gia về Phát triển Văn hóa mà các bộ, ngành Trung ương rót về. Với nguồn kinh phí đáng kể này, nên tập trung dồn sức để ngăn chặn, khắc phục kịp thời “vấn nạn” mất nghệ nhân-mất bài bản cồng chiêng và thực trạng không gian sống trong các buôn làng truyền thống đang bị phá vỡ.       

Theo Sở VH-TT-DL, giai đoạn 2016-2020, Đề án “Bảo tồn, phát huy Không gian Văn hóa Cồng chiêng Đắk Lắk”  tiếp tục mở các lớp truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng, hát kể sử thi; phục dựng các lễ hội; hỗ trợ kinh phí cho các đội chiêng, các nhà văn hóa cộng đồng diễn xướng cồng chiêng; giao lưu cồng chiêng… Đặc biệt đề án hướng tới việc thống kê, sưu tầm các bài chiêng cổ; in sách, băng đĩa hình về các nghi-lễ hội có liên quan đến cồng chiêng để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng. Kinh phí thực hiện đề án khoảng trên 7,8 tỷ đồng. 

 Đình Đối


Ý kiến bạn đọc