Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Kar: Nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số

14:11, 28/10/2016

Cùng với sự phát triển đời sống kinh tế-xã hội nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân cũng cao hơn. Vì vậy, hằng năm, các ngành chức năng huyện Ea Karr đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đa dạng, phong phú nhằm góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Từ năm 1987, đồng bào dân tộc Tày từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn bắt đầu di cư vào địa bàn thôn 4 (xã Ea Păl) lập nghiệp, ban đầu chỉ có 7 hộ, 20 khẩu nhưng đến nay đã lên tới 50 hộ, 196 khẩu. Hiện nay, người Tày ở thôn 4 vẫn còn gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc mình như: các món ăn đặc trưng (bánh coóc mò, bánh giò), trò chơi dân gian (tung còn)… Theo anh Lã Văn Truyền (cán bộ Mặt trận thôn 4), với người Tày, Tết Nguyên đán là mở đầu cho năm mới và họ bắt đầu nghỉ Tết từ 28 tháng Chạp, người Tày cũng trang trí nhà cửa, quét dọn sạch sẽ, sắp xếp lại đồ đạc trong nhà; sang ngày 29 làm thịt lợn và chế biến nhiều món ăn truyền thống, đến ngày 30 họ gom những dụng cụ sản xuất như: dao, rựa, cày, bừa… vào một nơi rồi làm lễ cúng để chúng nghỉ ngơi. Ngày Tết, từ già, trẻ đến gái trai đều kéo nhau đi xem lễ hội vui Xuân.

Đặc biệt, với người Tày, cây đàn tính là loại nhạc cụ có mặt trong tất cả các sinh hoạt văn hóa tinh thần, là “linh hồn” trong nghệ thuật dân ca, dân vũ. Người Tày còn có các điệu hát Then (gọi là Văn ca) được ngâm hát trong đám tang, đám cưới… Anh Truyền cho biết: “thôn 4 đã thành lập Câu lạc bộ đàn tính, hát Then với gần 20 thành viên, đều là những nghệ nhân để tham gia giao lưu biểu diễn trong các hoạt động văn hóa văn nghệ nhân dịp lễ, Tết. Đây còn là hoạt động thiết thực để lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ con cháu”.

Các thiếu nữ dân tộc Thái ở thôn Thanh Sơn (xã Ea Sar) với trò chơi dân gian Tó má lẹ.
Các thiếu nữ dân tộc Thái ở thôn Thanh Sơn (xã Ea Sar) với trò chơi dân gian Tó má lẹ.

Mặc dù sinh sống trên quê hương mới nhưng người Dao tại thôn 2 (xã Ea Sar) vẫn duy trì nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc mỗi dịp Tết đến Xuân về, đó là “Tết nhảy”. Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, dân bản lại tụ tập tại nhà trưởng bản hoặc nhà một thành viên nào đó để cùng nhau tiến hành “Tết nhảy”. Trong “Tết nhảy”, mỗi người phải nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng chuông, tiếng trống giục giã, nhảy múa liên tục cả ngày lẫn đêm, ai mệt thì ra để người khác thay. “Tết nhảy” của người Dao là tập hợp của các loại hình nghệ thuật như: nhảy múa, âm nhạc, ngôn ngữ… để làm nên vũ điệu sắc màu độc đáo.

Huyện Ea Kar có trên 150.000 người, với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có 9.960 hộ, chiếm 27,6%, DTTS tại chỗ có 16.873 người, chiếm 11,7% dân số toàn huyện… 

Đến thôn Thanh Sơn (xã Ea Sar) vào những ngày Xuân, du khách không chỉ được khám phá những nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Thái mà còn có cơ hội được tham gia những trò chơi dân gian độc đáo, có tính đồng đội và đòi hỏi sự khéo léo, dẻo dai. Chẳng hạn như trò Tó má lẹ (theo tiếng Thái có nghĩa là đánh hoặc chơi má lẹ). Má lẹ là tên một loại quả rừng có vỏ cứng, tròn và dẹt như hình chiếc bánh giầy nhỏ. Trò chơi Tó má lẹ đơn giản, tất cả mọi người đều có thể tham gia, nhưng phần đông người chơi vẫn là phụ nữ. Người ta dùng những quả má lẹ đã được mài bằng một cạnh để dựng lên trên sân chơi gọi là Cái. Những quả má lẹ còn nguyên hình tròn được dùng làm Con, dùng để đánh vào Cái…

Câu lạc bộ đàn tính, hát Then thôn 4 (xã Ea Păl) trình diễn trong một hoạt động văn hóa văn nghệ của huyện.
Câu lạc bộ đàn tính, hát Then thôn 4 (xã Ea Păl) trình diễn trong một hoạt động văn hóa văn nghệ của huyện.

Thời gian qua, nhiều lễ hội dân gian truyền thống đã được các địa phương trong huyện phục dựng và tổ chức với quy mô lớn nhỏ khác nhau, chủ yếu diễn ra vào mùa Xuân và mang đậm nét văn hóa của từng dân tộc, tạo không khí phấn khởi, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Mới đây, UBND huyện đã tổ chức diễn đàn “Phát huy, bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện” nhằm giúp người dân có ý thức hơn trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.       

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.