Multimedia Đọc Báo in

Nô nức lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập ở Lệ Thủy

08:49, 01/09/2018

Cư dân sống dọc đôi bờ dòng sông Kiến Giang của huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) từ lâu đã lưu truyền phong tục cúng lễ cầu mưa hằng năm. Con thuyền vừa là công cụ để sinh kế hằng ngày vừa là vật thể tượng trưng trong mỗi dịp cúng tế của người dân.

Từ nghi lễ cầu mưa, phần hội đua thuyền đã bắt đầu định hình và dần trở thành lễ hội đua thuyền truyền thống của người dân xứ Lệ với đầy đủ ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp và cho linh hồn người đã khuất sớm được siêu thoát.

Lịch sử hình thành và phát triển của lễ hội đua thuyền Lệ Thủy gắn liền với những thăng trầm từ trong những năm tháng còn khói lửa chiến tranh đến ngày hòa bình và dựng xây quê hương Lệ Thủy. Theo sách “Ô châu cận lục” - cuốn địa chí địa phương đầu tiên viết về vùng đất từ Quảng Bình đến bắc Quảng Nam do tiến sĩ Dương Văn An soạn thảo trong những năm 1553 - 1555, có thể xác định được lễ hội đua thuyền Lệ Thủy ra đời trước thế kỷ 16. Dương Văn An đã khảo tả về lễ hội đua thuyền trên dòng Bình Giang (sông Kiến Giang) như sau: "Sang xuân mở hội đua thuyền với nhiều trai thanh, gái lịch… ". 

Lễ hội đua thuyền Lệ Thủy thuở sơ khai được tổ chức vào mùa xuân, có giai đoạn diễn ra vào tháng 7 (âm lịch) dưới nghi thức cầu đảo (cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu). Một năm sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1946, lần đầu tiên lễ hội đua thuyền Lệ Thủy được tổ chức để chào mừng Tết Độc lập của dân tộc. Tuy vậy, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lễ hội truyền thống này đã liên tục bị gián đoạn cho đến sau Hiệp định Paris (năm 1973) về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam thì mới được chính quyền và nhân dân huyện Lệ Thủy ấn định tổ chức đều đặn hằng năm.

Nô nức lễ hội đua thuyền ở Lệ Thủy.
Nô nức lễ hội đua thuyền ở Lệ Thủy.

Từ tuần đầu của tháng 8 hằng năm, không khí lễ hội đã len lỏi khắp làng trên xóm dưới dọc đôi bờ dòng sông Kiến Giang. Đó là thời gian trai gái Lệ Thủy luyện bơi, dưới sông thuyền bơi (nam), thuyền đua (nữ) ra sức luyện tập, trên bờ người dân chờ đón để hô hào hưởng ứng. Do tách biệt cách gọi tên bơi, đua đối với nam và nữ nên lễ hội này có thể gọi là lễ hội bơi, đua song song với tên gọi lễ hội đua thuyền truyền thống. Cả tháng trời việc ăn, ngủ, nói cười của người Lệ Thủy đều liên quan đến chuyện đua thuyền. Ít có nơi nào từ già trẻ, gái trai lại đam mê và háo hức đua thuyền như ở Lệ Thủy.

Dùng thuyền gỗ để thi đấu chính là nét đặc sắc của lễ hội đua thuyền Lệ Thủy trong khi nhiều vùng miền trên cả nước đã chuyển qua dùng thuyền nhựa composite. Thuyền đua, bơi được đầu tư bài bản và được “bắt” (đóng) bởi những yêu cầu nghiêm ngặt về kích thước và cả mức độ công phu, thẩm mỹ. Thuyền thường được đóng bằng gỗ dổi, huệng… là những loài chịu nước tốt và nhẹ nhàng. Ván đóng thuyền dày khoảng 4 cm, đáy gọi là tấm tiếp, thân gọi là tấm tè, chồng lên tấm tè là hai tấm mạn... Có một cây đòn cân (cần câu) tựa như cái xương sống nằm dọc, chia thuyền ra hai nửa, nối với đòn cân là hệ thống đòn thang nằm ngang (hình xương cá)… Đòn cân và đòn thang nhằm gia cố thuyền lại thành một khối cân bằng, bền vững cũng như tạo nên từng chỗ ngồi (nam), chỗ đứng (nữ) riêng biệt trong lúc thi bơi, đua. Ngoài ra còn có mũi sõ (mũi đoóc) được chạm khắc từ khúc gỗ đặc mang hình tượng đầu và đuôi rồng lắp vào hai mũi trước, sau con thuyền. Sau lễ hội, mũi đoóc sẽ được tháo ra đặt trịnh trọng trên bàn thờ của làng. 

Ra đời và phát triển từ niềm hăng say lao động, sản xuất, lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang được nhân dân Lệ Thủy trân trọng, giữ gìn bởi nét đẹp truyền thống kết hợp với tinh thần đoàn kết và thượng võ.

Khi hoàn thiện, thuyền bơi dài khoảng 17 m, lòng thuyền rộng khoảng 1,2 m đủ chỗ cho hơn 30 người cùng nhau tranh tài, bao gồm: 15 cặp trai bơi, đốc lái (người lái thuyền), người tạo nhịp bơi (gõ mõ), người tát nước, ngoài ra còn có người đốc thúc và dự bị. Thuyền của nữ thì ngắn và nhỏ hơn với 13 tay chèo cùng người gõ sanh (vừa tạo nhịp vừa hô hào). Chầm chèo của nam có tay cầm, dài khoảng 1 m,  còn mái chèo của nữ dài 3 m.

Có nhiều câu chuyện và nhân vật lịch sử liên quan đến lễ hội đua thuyền Lệ Thủy. Trong hai năm 1993, 1998 sông Kiến Giang khô cạn vì hạn hán, người dân Lệ Thủy đã chuẩn bị cho tình huống năm đó không có lễ hội đua thuyền truyền thống; rồi bất ngờ trời đổ mưa cho sông đầy nước và lễ hội đua thuyền lại diễn ra tưng bừng. Hay câu chuyện về nguồn gốc ngôi đền Bà Lổ mà dân làng An Xá, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) đang thờ phụng như vị Thành hoàng làng. Theo sự tích, Bà Lổ đã “quyến rũ” trai bơi làng bạn giúp thuyền An Xá vươn lên về đích thứ nhất rồi sau đó trẫm mình thủ tiết. Đối với dân làng An Xá, Bà Lổ chính là “bà tổ” của lễ hội đua thuyền vì đã lấy tiết hạnh và sinh mạng của mình đổi lấy niềm đam mê của bản thân, mang lại danh tiếng và bản sắc cho làng xã. 

Năm nào, lễ hội đua thuyền Lệ Thủy cũng rộn ràng, náo nức. Để có được một chỗ đứng vừa xem được buông phao (tín hiệu xuất phát) và về đích, nhiều người xem tập trung về phố huyện từ tờ mờ sáng. Lễ khai mạc diễn ra với màn diễu hành trên sông của các đội thuyền bơi, đua tham gia thi đấu cùng với đội ngũ thuyền trang trí của các ngành, đơn vị trong huyện. Quãng đường tranh tài khoảng 24 km dành cho thuyền trai bơi và 18 km dành cho thuyền đua nữ, lấy ngã ba Mũi Viết (Thượng Phong) làm điểm buông phao xuất phát và về đích. Niềm hứng khởi còn lan tỏa xuống tận từng thôn xóm dọc đôi bờ sông Kiến Giang nơi có đoàn đua đi qua với rợp trời cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ cổ động đua thuyền; loa phát thanh tường thuật trực tiếp từng diễn biến của ngày lễ hội. Một không khí hân hoan vang dậy từ đầu nguồn đến cuối nguồn con sông Kiến Giang trong ngày Tết Độc lập…

Nguyễn Tiến Dũng 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.