Multimedia Đọc Báo in

Uống cà phê Paris

06:59, 12/02/2024

Người Paris (Pháp) hay nói: “Bạn chưa đến Paris nếu chưa một lần ghé quán cà phê Le Procope”. Tôi may mắn có dịp uống cà phê ở một trong những biểu tượng ẩm thực của kinh đô ánh sáng.

1. Ở Paris có rất nhiều quán cà phê. Hệ thống quán cà phê nơi đây có thể chia ra 3 hạng: quý tộc, hạng trung và bình dân. Nếu là quán quý tộc thì chỉ cần nhìn những vật dụng của quán, nhìn các vị khách sang trọng nói với nhau khe khẽ như gió thoảng, là biết ngay. Quán hạng trung thì đầy ở các phố. Metro nào cũng có dịch vụ bán cà phê tự động. Người nghèo nào cũng có thể mua cho mình một ly cà phê.

Cà phê gắn liền với văn hóa Pháp từ thời khai sáng, có ý nghĩa thiêng liêng và thanh quý với mọi người.

Nhìn cách uống cà phê của người Pháp đủ hiểu những triết lý lắng sâu của nền văn minh nước này. Không hiểu ngày xưa các nhà hùng biện, triết gia có tranh cãi nhau để mở lối cho các học thuyết, nhưng chúng tôi quan sát thấy khách thời nay chẳng mấy ồn ào. Thậm chí trầm ngâm, trao đổi rất khẽ. Người Pháp coi uống cà phê là truyền thống sâu sắc, quán cà phê là không gian để hướng nội hơn là hướng ngoại, hay để đốt thời gian.

Cầm ly cà phê Pháp, không hề ngửi thấy sực nức mùi thơm đặc trưng như cà phê Việt. Mới uống thì cà phê Pháp không thấy ngon, thậm chí nhạt nhẽo khi ăn với bánh ngọt. Nhưng, càng ở lâu mới thấy hết dư vị sâu xa của nó. Đơn giản bởi cà phê nguyên chất, không phụ gia, nếu cần bạn có thể cho thêm đường, sữa tùy sở thích.

Tủ kính đặt chiếc mũ của Hoàng đế Napoleon Bonaparte ở Le Procope, quán cà phê đầu tiên ở Paris.

Cho nên cà phê Pháp rất nhẹ “đô”, nhiều người uống bằng bát mà chẳng hề gì. Trong thế kỷ 19, công nhân Pháp uống cà phê để chống lại cơn đói và lạnh. Tôi nhớ đã đọc một trang trong tiểu thuyết “Germinal” của Emile Zola tả rằng, đối với những người thợ mỏ tại miền Bắc nước Pháp khi đó thì vai trò của cà phê không thua kém gì so với bánh mì. Pierre Jakez-Helias trong cuốn “The Horse of Pride” cũng viết: “Những phụ nữ Breton có thể mua cà phê bằng mọi giá, cả làng sẽ thơm nức mùi cà phê và ai nấy đều dễ thở hơn”. Cả làng thơm nức mùi cà phê, thật tuyệt vời, chúng tôi đã chứng kiến hương vị đó hôm đến thăm làng cổ Provins.

Và cũng phần nào giải đáp thắc mắc khi nghe giai thoại đại văn hào Balzac mỗi ngày uống khoảng 50 tách cà phê mà không “say chết đi được”! Balzac là người sành điệu về cà phê, ông có thể dành cả ngày trời để tìm mua cho đúng những loại hạt ưa thích.

2. Quán cà phê Le Procope xuất hiện đầu tiên ở Paris, được xem là “quán cà phê văn chương” đầu tiên trên thế giới. Đây là một trong những địa chỉ mà ngày xưa giới tinh hoa Pháp thường xuyên đến đây, tranh luận, sáng tác và cho ra đời những tác phẩm bất hủ cho nhân loại.

Quán cà phê Le Procope khai trương từ năm 1686, đã có tuổi đời trên 300 năm, nay nằm ở số 13 phố Ancienne-Comédie, thuộc quận 6, trên một con phố cổ kính. Vừa bước vào quán, ngay bên trái, một cảm xúc trào dâng khi chạm mặt tấm kính đặt chiếc mũ của Hoàng đế Napoleon Bonaparte. Napoleon lúc đó mới chỉ là một trung úy.

Ôi cái mũ của một tráng sĩ cả cuộc đời mải mê chinh chiến, mà đa số trận nào cũng cầm kiếm đi trước, về sau, dân xã hội gọi là “chất lừ”. Biết bao giờ nhân gian mới có được một người văn võ toàn tài, tính cách vừa kiêu hùng, vừa lãng mạn khôn xiết.

Những nhân vật “ngồi đồng” thường xuyên ở đây hầu hết là các chính trị gia, nghệ thuật gia, triết gia lừng lẫy như La Fontaine, Voltaire, Rousseau, Diderot, Beaumarchais, Balzac, Hugo, Verlaine...

Vào thế kỷ 18, những ý tưởng tự do cũng đã khởi phát từ đây. Người ta tin rằng, chính tại nơi này, Diderot đã soạn cuốn Từ điển bách khoa toàn thư và Benjamin Franklin đã viết nên Hiến pháp Hoa Kỳ.

Đây cũng là nơi hội họp của các chính khách thời kỳ Cách mạng tư sản Pháp như Robespierre, Danton và Marat. Người Paris còn khẳng định cuộc tấn công vào cung điện Tuileries đêm 10/8/1792 được phát lệnh từ chính Le Procope.

Chúng tôi, và cả những du khách đến tham quan, đều giữ im lặng, như sợ chỉ một tiếng động quá bình thường cũng phá vỡ các linh hồn đang trú ngụ ở Le Procope. Mơ hồ như những bức tường dội về âm thanh rì rầm của các cuộc tranh luận, tiếng rì rào của các con chữ đang ào ạt trên trang giấy trắng.

Đây góc bàn viết của Victor Hugo. Kia là căn phòng nơi mà Voltaire, Balzac thường xuyên ngồi. Hình bóng của các bậc vĩ nhân vẫn còn hằn trên tường. Vẫn còn đó bút tích của bản chép Bản tuyên ngôn nhân quyền và công dân, những lịch sinh hoạt văn thơ.

Le Procope đã gìn giữ di sản của những chứng nhân một thời kỳ đầy biến động của lịch sử nước Pháp nói riêng và thế giới nói chung, bằng một niềm đam mê và trân trọng đáng kinh ngạc.

Không chỉ có có giá trị lịch sử, Le Procope còn biết đến với thứ cà phê ngon nhất Paris. Quả thật, sau khi tham quan quán Le Procope, lại bị “bệnh cũ tái phát”, ước ao ở quê nhà những chủ quán cà phê (và nhà hàng) cũng có thói quen vun vén cho quán mình giá trị lịch sử. Mỗi quán là một câu chuyện thú vị. Thành công hay thất bại đều có tính hướng nghiệp, cần phải kể cho cháu con, hậu thế.

Lịch sử không tự nhiên mà có, vấn đề ý thức nâng niu, chắt góp ở mức nào. Thực tế ở ta, cũng có rất nhiều quán cà phê có giá trị về lịch sử, về đời sống của các bậc thức giả nổi tiếng một thời, nhưng sau thời gian bị mai một trong tiếc nuối khôn nguôi.

Tôi ngồi lim dim, thở nhẹ, nhấm nháp tách cà phê một cách từ tốn. Thoảng nghe những thanh âm đâu đó vọng về từ những bức tường - những người bạn im lặng và bền bỉ đã đón - tiễn đưa bao nhiêu người bạn lớn của cuộc đời này.

Chia tay Le Procope, nhón một viên đường màu tím, bỏ vào miệng, nghe thấm tận tâm hồn cả Paris từ muôn kiếp…

Hữu Quý


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.