Multimedia Đọc Báo in

Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm: Đừng để “con voi chui lọt lỗ kim”

07:17, 26/04/2024

Mặc dù công tác kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) thời gian qua đã được các cấp, ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt, nhưng tình trạng bị ngộ độc thực phẩm (NĐTP) vẫn có chiều hướng gia tăng, vậy đâu là nguyên nhân?

Ngộ độc thực phẩm vẫn “nóng”

Năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ NĐTP với 89 người mắc, trong đó có 77 người nhập viện điều trị, không có trường hợp tử vong; tăng 5 vụ và tăng 71 người mắc với với năm 2022.

Theo thống kê từ ngành chức năng, gần 50% số vụ NĐTP có nguyên nhân là do người dân sử dụng động vật và thực vật có sẵn độc tố tự nhiên để làm thực phẩm như ấu trùng ve sầu, nấm và cà độc dược.

Điều đó cho thấy công tác tuyên truyền bảo đảm ATTP chưa hiệu quả, chưa làm thay đổi nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Cơ quan chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Lắk.

Tuy nhiên, những con số trên chỉ mới là bề nổi của “tảng băng chìm”. Trên thực tế, NĐTP đang ẩn họa ở mọi hình dạng, mọi lúc, mọi nơi, mang tính chất phức tạp như bếp ăn tập thể, tiệc cưới lưu động, cửa hàng thực phẩm… Năm 2023, tỉnh Đắk Lắk cũng ghi nhận nhiều vụ nghi ngộ độc tập thể, đơn cử như vụ nghi NĐTP xảy ra tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) và Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana)…

Những vụ việc trên tuy chưa để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng, sự thiếu ý thức của người mua – kẻ bán về mức độ nguy hiểm của thực phẩm bẩn với tính mạng con người; đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp khắc phục lâu dài để chấm dứt tình trạng này.

Vẫn còn “lỗ hổng”

 Tính đến tháng 12/2023, trên địa bàn tỉnh có 1.473 cơ sở thực phẩm do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm quản lý, trong đó có 177 cơ sở sản xuất thực phẩm và 178 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, chiếm tỷ lệ 24,1%.

Trong năm 2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tổ chức 13 đợt thanh tra, kiểm tra về ATTP đối với 262 cơ sở, qua đó ghi nhận 231 cơ sở đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 88,2%; thực hiện 2 đợt giám sát chủ động điều kiện ATTP phòng ngừa NĐTP tại 25 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 25 bếp ăn tập thể với 44 cơ sở đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 88%. Các cơ quan chức năng cũng đã xử phạt vi phạm hành chính về ATTP đối với 31 cơ sở, tổng số tiền phạt trên 300 triệu đồng. 

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện vệ sinh ATTP tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Theo ý kiến của Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh), một trong những nguyên nhân khiến thực phẩm bẩn còn tồn tại, nhiều cơ sở kinh doanh bất chấp vi phạm để kiếm lời là do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh ATTP vẫn chưa đi vào thực chất, còn mang tính cả nể, nhắc nhở là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “lờn thuốc”. Mặt khác, việc nhận diện vấn đề nổi lên về ATTP chưa cụ thể, còn mang tính chung chung, dẫn đến việc kiểm tra “lượng” thì có nhưng “chất” thì không. Vẫn còn tình trạng thực phẩm được đóng mác “sạch” nhưng chưa chắc đã “sạch”. Cuối năm 2023, qua kiểm tra 14 cơ sở sản xuất nước đá có vi phạm về vệ sinh ATTP, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã xử phạt trên 500 triệu đồng.

Một vấn đề đáng để suy ngẫm, đó là công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền về vệ sinh ATTP của ngành chức năng với các cơ quan thông tấn báo chí thời gian qua chưa nhịp nhàng. Vẫn còn tình trạng lúng túng, chậm cung cấp thông tin cho báo chí về ATTP, nhất là khi xảy ra các vụ NĐTP dẫn đến nhiều nguồn thông tin sai lệch tràn lan trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận. Trong kế hoạch triển khai Tháng hành động vì ATTP hoặc các đợt cao điểm dịp lễ, tết, các cơ quan truyền thông luôn được xem có vai trò quan trọng trong việc thông tin, tuyên truyền nhưng thực tế quá trình tiếp xúc, đặt vấn đề tham gia trực tiếp cùng các đoàn kiểm tra liên ngành để ghi nhận phản ánh thực tế thường xuyên bị né tránh hoặc từ chối!

Cùng với đó, nhân lực làm công tác bảo đảm ATTP ở các ngành, địa phương còn mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” trong công tác kiểm tra vệ sinh ATTP.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc