Multimedia Đọc Báo in

Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo ở huyện Krông Ana

05:51, 18/02/2018

Những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo là một trong những ưu tiên hàng đầu của huyện Krông Ana. Bên cạnh quan tâm hỗ trợ thông qua các chính sách, chương trình an sinh xã hội..., việc chuyển giao khoa học kỹ thuật để tạo sinh kế bền vững cho người nghèo đang được địa phương thực hiện hiệu quả.

Để xóa đói, giảm nghèo, huyện Krông Ana đã tích cực triển khai các chương trình, quyết định hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nên chưa thật sự mang lại hiệu quả như mong muốn, tốc độ giảm nghèo chậm, tỷ lệ tái nghèo vẫn ở mức cao. Chưa kể, một số chương trình lại mang tính đặc thù, đòi hỏi nhiều điều kiện đi kèm khiến hiệu quả triển khai tại địa phương không cao, tỷ lệ giải ngân vốn hỗ trợ thấp. Cùng với đó, mặc dù nguồn vốn và cơ chế thực hiện khuyến khích lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, chính sách khác, nhưng hầu hết các chương trình mục tiêu quốc gia cũng đang gặp khó khăn về vốn hoặc đã hết thời gian thực hiện nên cũng gây khó khăn cho địa phương.

Chủ tịch UBND huyện Krông Ana Võ Đại Huế (bìa phải) tìm hiểu quy trình sản xuất nấm.
Chủ tịch UBND huyện Krông Ana Võ Đại Huế (bìa phải) tìm hiểu quy trình sản xuất nấm.

Xuất phát từ thực tế đó, việc xây dựng chương trình hỗ trợ sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương được đặt ra một cách cấp bách. Việc hỗ trợ phải theo hướng “trao cần câu và hướng dẫn cách câu chứ không trao con cá”, nhưng “cần câu” phải làm sao phù hợp với đối tượng tiếp cận và phải phát huy hiệu quả lâu dài. Theo hướng đó, huyện đã chọn việc đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, trong đó tập trung vào nghề sản xuất nấm làm hướng đi chính cho đồng bào nghèo tại địa phương. Đây là định hướng mang tính khả thi cao, bởi nghề làm nấm phù hợp với khả năng tiếp cận của bà con khi thời gian học nghề ngắn, dễ tiếp thu và áp dụng vào thực tế sản xuất. Hơn nữa nghề làm nấm dễ triển khai khi địa phương có nguồn nguyên liệu tương đối sẵn, cùng thị trường tiêu thụ ổn định và đã được kiểm chứng hiệu quả trong thực tế và mức đầu tư ban đầu không cao. Dựa vào những phân tích trên, năm 2017 huyện đã mạnh dạn đầu tư cho một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại các xã xây dựng 10 mô hình làm nấm, với mức đầu tư 20 triệu đồng/mô hình. Số tiền trên được dùng vào xây dựng nhà bạt, nguyên liệu và cây giống sản xuất ban đầu. Việc xây dựng nhà bạt và chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nấm do Trung tâm Dạy nghề (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên) của huyện hỗ trợ thực hiện. 

Cùng với 10 mô hình trên, đến nay toàn huyện đã có trên 70 cơ sở sản xuất các loại nấm thương phẩm cho giá trị kinh tế tương đối cao so với cùng đơn vị diện tích (như: nấm rơm, nấm sò, nấm linh chi…). Sản lượng nấm các loại năm 2016 đạt khoảng 100 tấn, năm 2017 đạt gần 130 tấn. Điều đáng mừng nhất là các mô hình sản xuất nấm không chỉ tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định mà còn giúp nâng cao nhận thức cho người dân tham gia. Qua khảo sát thực tế, tất cả bà con đều tỏ ra thành thạo, tự tin với công việc, muốn gắn bó lâu dài với nghề làm nấm. Một số chủ mô hình còn muốn được xây dựng thêm nhà bạt, mở rộng quy mô sản xuất, trong đó có nhiều hộ thuộc đối tượng nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đó cho thấy, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số không quá khó khăn như nhiều người vẫn lầm tưởng. Quan trọng hơn nữa, nhờ được đào tạo nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật một cách bài bản nên sản phẩm nấm do bà con làm ra không chỉ cho năng suất cao, hình thức đẹp mà còn bảo đảm chất lượng và có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lớn. Đây rõ ràng là “hướng mở” quan trọng để đối tượng nghèo tại địa phương không những vươn lên thoát nghèo nhanh, bền vững mà còn có khả năng làm giàu cho bản thân.

Rõ ràng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề trồng nấm cho đối tượng người nghèo tại huyện Krông Ana đang cho thấy hiệu quả rõ rệt. Phát triển nghề trồng nấm không chỉ mang lại ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có giá trị xã hội khi đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất, tư duy làm kinh tế và nhận thức của bà con. Đây là tiền đề quan trọng bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội, hỗ trợ lao động, tạo sinh kế cho đồng bào nghèo một cách bền vững.

Võ Đại Huế

Chủ tịch UBND huyện Krông Ana


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.