Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Hòa Sơn

09:53, 14/03/2018

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích đất, bà con nông dân ở xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng mía, trồng cỏ để nuôi bò… bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập.

Là vùng đất trũng lại gần sông suối, đến mùa mưa thường bị ngập úng nên từ trước đến nay việc trồng ngô của người dân thôn 7, xã Hòa Sơn gặp nhiều khó khăn, do đó một số hộ dân đã chuyển sang trồng mía. Trước đây, trên mảnh đất rộng 1 ha, gia đình ông Nguyễn Duy Khánh (thôn 7, xã Hòa Sơn) trồng ngô 2 vụ nhưng cứ đến mùa mưa thường bị ngập nước nên phải bỏ trống. Sau khi tham quan mô hình trồng mía của một số hộ dân ở Cư Kty; được sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như bao tiêu sản phẩm từ Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (xã Cư Kty), năm 2012, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư trồng mía. Ban đầu, ông trồng thử nghiệm trên diện tích 6 sào, vụ mùa đầu tiên đạt năng suất 12 tấn/sào.Với giá bán từ 800-900 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông thu về hơn 60 triệu đồng. Đến nay, ông đã chuyển toàn bộ diện tích đất trồng ngô sang trồng mía. Theo ông Khánh, việc trồng mía hiệu quả kinh tế cao hơn 3-4 lần so với trồng ngô, lại không đòi hỏi nhiều công lao động, chi phí đầu tư sản xuất cũng thấp hơn.

Cán bộ nông nghiệp xã Hòa Sơn (bìa trái) kiểm tra tình hình trồng mía của người dân thôn 7.
Cán bộ nông nghiệp xã Hòa Sơn (bìa trái) kiểm tra tình hình trồng mía của người dân thôn 7.

Không chỉ gia đình ông Khánh mà hiện nay rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã cũng đã chuyển những diện tích trồng ngô, đậu kém hiệu quả hay những diện tích đất cà phê đang chờ tái canh sang trồng mía. Qua đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi cho thấy, trên cùng một diện tích nếu người dân trồng ngô chỉ cho thu hoạch từ 8-10 tấn/ha, giá trị mang lại là 20-25 triệu đồng/ha, nhưng chuyển đổi sang trồng mía, bà con có thu nhập tăng lên từ 60-70 triệu đồng/ha. Đến nay, toàn xã có khoảng 100 ha đất được chuyển đổi sang trồng mía, tập trung chủ yếu tại thôn 7.

Ngoài trồng mía, nông dân xã Hòa Sơn còn có thu nhập từ việc trồng cỏ nuôi bò, nhất là từ khi Phòng NN-PTNN huyện Krông Bông triển khai mô hình nuôi và vỗ béo bò tại một số hộ dân trên địa bàn xã. Từ năm 2013 đến nay, số lượng bò không ngừng tăng lên, đến nay là hơn 3.800 con, khiến việc tìm kiếm nguồn thức ăn cho vật nuôi trở nên khó khăn. Để chủ động tạo ra nguồn thức ăn xanh cho vật nuôi, người dân đã có xu hướng chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ. Nhờ vậy đã chủ động được nguồn thức ăn mà không còn phải tốn công chăn dắt hay tìm kiếm nguồn thức ăn xanh cho vật nuôi, nhất là vào mùa khô. Từ 4 năm nay, bà Nguyễn Thị Lan (thôn 5, xã Hòa Sơn) đã quyết định chuyển hơn 1 sào đất trồng lúa sang trồng cỏ để nuôi bò. Theo bà Lan, khi còn trồng lúa trên cùng một diện tích này, sau mỗi vụ thu hoạch gia đình chỉ thu về được 5 bao lúa, không đủ để bù chi phí và công đã bỏ ra. Nhưng từ khi chuyển sang trồng cỏ, ngoài việc cung cấp đủ thức ăn cho đàn bò 5 con của gia đình thì bà còn có cỏ để bán cho những hộ chăn nuôi khác. Bà Lan cho biết: “Cỏ ruộng là loại cỏ có sẵn trong tự nhiên, thường mọc trong các ruộng lúa nên sau mỗi đợt cắt chỉ cần bón một ít phân bón là cỏ lại phát triển xanh tốt.”

Ông Nguyễn Ngọc Thảo, cán bộ nông nghiệp xã Hòa Sơn cho biết: Hiện xã có hơn 2.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 200 ha đất trồng lúa, ngô được chuyển đổi sang trồng mía và cỏ nuôi bò, đem lại hiệu quả cao. Trong thời gian tới, xã chủ trương khuyến khích người dân đa dạng hóa cây trồng, áp dụng luân canh, xen canh trong sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định cuộc sống người dân và phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.