Multimedia Đọc Báo in

Nông dân tập trung sản xuất phục vụ Tết

14:38, 22/01/2019

Để chuẩn bị nguồn sản phẩm phục vụ nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán, những ngày này, bà con nông dân các địa phương  đang đẩy mạnh sản xuất, chăm sóc đàn vật nuôi để cung cấp cho thị trường...

Là một trong những hộ chăn nuôi quy mô lớn ở thôn Đoàn Kết, xã Ea Kmút (huyện Ea Kar), gia đình anh Dương Thanh Hải hiện đang tập trung chăm sóc 1.000 con gà lai để kịp xuất bán dịp Tết Nguyên đán. Với kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, anh Hải cho biết, giá bán các loại thịt gia súc, gia cầm dịp Tết bao giờ cũng cao hơn bình thường. Vì vậy, mỗi năm cứ khoảng tầm tháng 9 (âm lịch) gia đình anh lại tranh thủ tăng đàn để kiếm thêm thu nhập.

Để đàn gà phát triển khỏe mạnh, thịt thơm ngon, săn chắc, ngoài việc đầu tư con giống, áp dụng phương thức thả vườn, không sử dụng cám công nghiệp, anh Hải còn chú trọng đến việc vệ sinh môi trường, phun hóa chất khử trùng xung quanh khu vực chuồng trại. Dự kiến đến sát Tết, anh xuất chuồng khoảng 2,5 tấn thịt gà với giá từ 53.000 – 55.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sẽ thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

Tương tự, gia đình ông Lê Văn Phi ở thôn Đoàn Kết, xã Ea Kmút (huyện Ea Kar) cũng đang trong giai đoạn “nước rút” vỗ béo hơn 50 con heo thịt. Bình thường mỗi lứa heo ông Phi chỉ nuôi khoảng 30 con, sau khi xuất bán hết sẽ nuôi lại lứa khác. Tuy nhiên lứa heo phục vụ dịp Tết năm nay ông đã tăng đàn lên gần gấp đôi. Hiện đã có thương lái đến tận chuồng để thỏa thuận thu mua với giá 49.000 đồng/kg, tăng gần 23.000 đồng so với mấy tháng trước. Với giá bán này thì mỗi con heo xuất chuồng ông Phi lãi được khoảng 1 triệu đồng. Tuy nhiên gia đình ông vẫn chưa bán mà tiếp tục nuôi thúc đến Tết.

Mô hình trồng rau thủy canh của gia đình chị Vũ Thị Kiều Oanh (ở tổ 6, thị trấn M’Đrắk).  Ảnh: T.Nguyệt
Mô hình trồng rau thủy canh của gia đình chị Vũ Thị Kiều Oanh (ở tổ 6, thị trấn M’Đrắk). Ảnh: T.Nguyệt

Sau khoảng thời gian giá heo hơi xuống thấp, chỉ còn 26.000 đồng/kg, thì đến nay giá bán heo đang dao động ở mức 47.000 - 49.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo dự đoán của nhiều hộ chăn nuôi, do một số địa phương như Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Tiền Giang… phát hiện có heo bị bệnh lở mồm long móng, buộc phải tiêu hủy khiến nguồn cung thịt heo trong nước thiếu hụt nên giá thịt heo có thể sẽ tăng thêm trong dịp Tết. Vì vậy, không chỉ gia đình ông Phi, anh Hải mà hầu hết các hộ chăn nuôi ở huyện Ea Kar đều đang tích cực chăm sóc đàn vật nuôi với hy vọng giá cả sẽ tăng cao.

Theo ông Hoàng Công Nhiên, Phó Trưởng Trạm chăn nuôi và thú y huyện Ea Kar, toàn huyện hiện có 109 trang trại chăn nuôi với hơn 115.000 con heo, gần 23.000 con bò và hơn 2,4 triệu con gia cầm, tập trung chủ yếu tại các xã Xuân Phú, Cư Ni, Ea Kmút, Ea Tih... Ước tính dịp Tết Nguyên đán này, các trang trại, gia trại chăn nuôi của huyện cung ứng cho thị trường khoảng 7.000 tấn thịt heo, 9.800 tấn gia cầm.

Nông dân huyện M’Đrắk cũng đang tích cực chuẩn bị nguồn thực phẩm cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán. Trước xu hướng người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mặt hàng nông sản được nuôi trồng tại địa phương, các hộ nông dân đã chủ động kế hoạch sản xuất hàng hóa cho dịp cuối năm.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hải (ở thôn 5, xã Ea Pil, huyện M’Đrắk) thực hiện mô hình nuôi gà theo hướng hàng hóa với cách nuôi gối vụ, mỗi năm 3 lứa, trung bình mỗi lứa từ 800 - 1.000 con gà giống. Vào dịp Tết, gia đình anh Hải tăng tổng đàn lên trên 1.500 con, chủ yếu là các giống gà phù hợp với nhu cầu thị trường như gà ta, gà thả vườn...

Anh Hải cho biết: Dịp Tết, gia đình anh tập trung nuôi gà trống để phục vụ nhu cầu mua gà cúng Tết. Ngoài việc tiêm đầy đủ các loại vắc xin, khi gà mới được 25 ngày tuổi, anh cho gà uống nước tỏi, xông chuồng bằng bồ kết để kháng bệnh và bổ sung các loại thức ăn để gà chắc thịt, thơm ngon. Qua thời gian hơn 3 tháng thả nuôi, từ ngày 15 tháng Chạp, gia đình anh bắt đầu xuất bán trên 2 tấn gà thương phẩm, giá bán sỉ cho thương lái khoảng 50.000 – 70.000 đồng/kg, cao hơn mức giá thông thường khoảng 5.000 – 15.000 đồng/kg, giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập trang trải cho ngày Tết.

        Ông Lê  Văn Phi  bổ sung thêm  khẩu phần ăn cho heo để kịp  xuất chuồng  dịp Tết.  Ảnh: N.Quỳnh
Ông Lê Văn Phi bổ sung thêm khẩu phần ăn cho heo để kịp xuất chuồng dịp Tết. Ảnh: N.Quỳnh

Những ngày này, các làng rau ở tổ 3, 4, 6 (thị trấn M’Đrắk), thôn Tân Lập, thôn Hồ (xã Cư Mta), bà con nông dân đang khẩn trương chăm sóc những luống rau màu chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp tới. Năm 2018, toàn huyện M’Đrắk có 479 ha rau, năng suất khoảng 10 tấn/ha, sản lượng 4.790 tấn. Năm nay, ngay từ đầu vụ rau Tết, nông dân gặp nhiều khó khăn do mưa lớn kéo dài làm nhiều diện tích rau bị ngập nước, hư hỏng. Bà con phải tích cực áp dụng các biện pháp khắc phục như lên luống cao, che lưới phủ, tăng lượng giống, chọn giống ngắn ngày cho những diện tích bị hư hại... Đến nay, các vườn rau đã phủ màu xanh.

Nhờ đầu tư trồng rau theo mô hình thủy canh hồi lưu trong nhà lồng nên vụ rau Tết của gia đình chị Vũ Thị Kiều Oanh (ở tổ 6, thị trấn M’Đrắk) gần như không bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Cách đây hai tháng, chị Oanh đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích rau từ 400 m2 lên đến 700 m2. Hiện nay bình quân mỗi ngày gia đình chị Oanh thu khoảng 10 kg rau với giá bán từ 50.000 - 60.000 đồng/kg.

Với lượng giống tăng cường từ đầu vụ, dịp Tết này, vườn của gia đình chị có thể cung cấp cho thị trường từ 20 - 30 kg rau sạch/ngày, tổng sản lượng khoảng 3 tạ rau theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, với đầy đủ các loại rau như: cải, xà lách, rau thơm, rau muống, cần tây, cà chua, dưa leo… Chị Oanh cho biết, việc tiêu thụ các sản phẩm của vườn hiện nay rất thuận lợi, nếu đủ số lượng từ 50 kg thì các siêu thị sẽ bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, người dân rất ưa chuộng sản phẩm rau trồng bằng phương pháp thủy canh vì chúng không có thuốc trừ sâu và hóa chất độc hại, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Gia đình chị cũng cam kết không tăng giá bán để bà con được sử dụng sản phẩm sạch ngay tại địa phương trong dịp Tết.

Nắm bắt được nhu cầu thị trường và giúp bà con phát triển kinh tế, chính quyền các địa phương cũng đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả, tổ chức tập huấn, hội thảo cho nông dân tham quan, học hỏi; thường xuyên theo dõi, cảnh báo tình hình dịch bệnh, sâu hại trên cây trồng, vật nuôi kịp thời cho bà con. Đồng thời, khuyến cáo bà con nên tuân thủ các quy định trong sản xuất hàng nông sản thực phẩm an toàn, nuôi trồng đa dạng sản phẩm để không bị thừa hàng và bán được giá cao hơn.


Như Quỳnh - Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.