Multimedia Đọc Báo in

Kết nối cơ hội việc làm cho hội viên phụ nữ

15:50, 25/06/2019
Phát huy vai trò của mình, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giải quyết việc làm cho lao động nữ, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội.

Trong chuỗi các hoạt động của “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” năm 2019, Sàn giao dịch việc làm là một trong những điểm nhấn thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ.  Để tổ chức Sàn giao dịch việc làm, Hội LHPN tỉnh đã chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và 8 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia tư vấn, tuyển dụng hàng trăm vị trí việc làm gồm: nhân viên tư vấn tín dụng, nhân viên kinh doanh, giao dịch viên, công nhân, trưởng nhóm bán hàng, nhân viên văn phòng, kế toán... Tham gia sàn giao dịch, cán bộ, hội viên phụ nữ không chỉ được tư vấn việc làm, phỏng vấn trực tiếp mà còn được cung cấp những kiến thức về quy trình, thủ tục, các chế độ hỗ trợ đi xuất khẩu lao động... Các đơn vị, doanh nghiệp tham gia Sàn giao dịch việc làm đã tư vấn việc làm cho 390 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ, trong đó có 234 người đăng ký thông tin và nộp hồ sơ, 73 người đã được tuyển dụng, tuyển sinh trực tiếp tại sàn và 132 người được hẹn phỏng vấn sau sàn.

Chị H’Nhoan Ađrơng, hội viên phụ nữ xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột tự tạo việc làm thêm sau khi học nghề dệt thổ cẩm.
Chị H’Nhoan Ađrơng, hội viên phụ nữ xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột tự tạo việc làm thêm sau khi học nghề dệt thổ cẩm.

Bà Phan Thị Diễm Lệ, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH RK Resources (Bình Dương) cho biết: Với mong muốn mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm nên khi nhận được lời mời của Ban tổ chức, đơn vị đã tham gia phiên giao dịch việc làm tại huyện Lắk và Sàn giao dịch việc làm tỉnh nhằm giới thiệu về công ty, các chế độ đãi ngộ và nhu cầu tuyển dụng lao động. Sau Sàn giao dịch việc làm đã có 8 lao động của tỉnh Đắk Lắk được tuyển dụng vào làm việc tại công ty và hiện còn nhiều lao động trên địa bàn tỉnh tiếp tục liên hệ nộp hồ sơ xin việc.

Sau khi được Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Ngọc Vy (TP. Buôn Ma Thuột) tư vấn, giới thiệu về công việc sản xuất lông mi giả, chị Đỗ Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) đã kết nối được cơ hội việc làm cho hội viên bằng cách thành lập các tổ gia công lông mi giả, mỗi tổ 10 người. Đại diện công ty sẽ về tận nơi hướng dẫn kỹ thuật, ký kết hợp đồng, giao nguyên liệu cho các tổ. Mỗi chị tham gia có thu nhập thêm từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Sàn giao dịch việc làm tỉnh năm 2019.
Đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Sàn giao dịch việc làm tỉnh năm 2019.
 

Từ năm 2017 đến nay, các cấp hội đã phối hợp tổ chức 222 lớp dạy nghề cho 7.074 phụ nữ nông thôn, trong đó gần 5.700 phụ nữ đã có việc làm sau học nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh cho 3.475 phụ nữ và hỗ trợ 236 chị đi xuất khẩu lao động”

 
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hường

Không chỉ Tỉnh hội mà hội phụ nữ các cấp đều đã có những hoạt động tạo việc làm cho hội viên. Chẳng hạn như Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột, từ năm 2016 đến nay đã phối hợp tổ chức 11 phiên tư vấn, giới thiệu việc làm lưu động tại các xã, phường, giúp 930 lao động nữ tìm được việc làm; giới thiệu và giúp tự tạo việc làm tại nhà cho 2.353 phụ nữ; phối hợp tổ chức 15 lớp đào tạo nghề cho 480 lao động nữ nông thôn.

Hay như Hội LHPN thị xã Buôn Hồ, trong năm 2018 đã phối hợp tổ chức 3 lớp dạy nghề cho 111 hội viên; giới thiệu việc làm cho 109 chị; xây dựng 3 quầy tạp hóa, hàng tiêu dùng cho hội viên tại xã Ea Siên, Ea Đrông và phường Thống Nhất; hỗ trợ 27 gia đình hội viên đủ cơ sở được cấp giấy chứng nhận để kinh doanh dịch vụ ăn uống, chế biến thực phẩm; hỗ trợ thành lập 2 hợp tác xã và 10 tổ hợp tác chế biến tinh bột nghệ, chăn nuôi gà, heo, chế biến cà phê, làm dép, dệt thổ cẩm, trồng khoai lang... tạo việc làm cho hàng trăm phụ nữ.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hường cho biết, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm, hằng năm, Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp hội khảo sát nhu cầu học nghề và việc làm của hội viên, tổ chức tuyên truyền, vận động, phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề, các phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh... Qua đó đã kết nối, tạo cơ hội cho chị em tham gia thị trường lao động, tìm được việc làm phù hợp, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.