Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường các hoạt động nâng cao chất lượng dân số của tỉnh

16:25, 31/12/2014

Năm 2013, mặc dù tỉnh ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về công tác DS-KHHGĐ, song vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó phải kể đến là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số. Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Mai Văn Phán đã chia sẻ với Báo Dak Lak đôi nét về vấn đề này.

Ông Mai Văn Phán
Ông Mai Văn Phán

* Ông đánh giá như thế nào về công tác DS-KHHGĐ của tỉnh trong năm 2013?

Năm 2013 là năm thứ 3 thực hiện Chiến lược DS và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, là năm thứ 2 thực hiện Kế hoạch hành động Chiến lược DS-KHHGĐ và sức khỏe sinh sản tỉnh giai đoạn 2012-2015, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: mức sinh giảm 0,5%o, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,23%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 15,6%, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 71%, đặc biệt tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đã giảm rõ rệt…

Đối với việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, hiện nay tỉnh ta đang thực hiện 2 mô hình và 1 đề án, đó là: mô hình sàng lọc trước sinh và sơ sinh để phát hiện sớm các dị tật ở trẻ, từ đó can thiệp điều trị sớm; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân cho thanh niên trong độ tuổi; đề án can thiệp tảo hôn và kết hôn cận huyết thống ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua một thời gian triển khai, đến thời điểm này, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đã giảm rõ rệt, cụ thể ở các địa phương triển khai đề án (Lak, Krông Bông và Krông Pak), mỗi huyện chỉ còn xảy ra từ 1-2 trường hợp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chúng tôi cũng đã phát hiện được nhiều trường hợp trẻ bị dị tật và tư vấn, can thiệp chuyên môn kịp thời để giúp các cháu khi ra đời bảo đảm về sức khỏe thể chất. Đối với mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, tuy mới triển khai trong năm 2013 nhưng bước đầu đã được vị thành niên trên địa bàn hưởng ứng tích cực, nhiều câu lạc bộ tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân đã được hình thành ở các đơn vị và đi vào hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2013, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề phải quan tâm. Trước hết là nhận thức về công tác DS-KHHGĐ của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân di cư tự do vẫn còn nhiều hạn chế; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp trong quá trình triển khai hoạt động vẫn còn những khó khăn nhất định. Thứ hai là về đội ngũ cộng tác viên DS-KHHGĐ, do chế độ phụ cấp chưa phù hợp nên hằng năm luôn có sự thay đổi, điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn. Ngoài ra, cơ sở làm việc cho cán bộ làm công tác dân số, nhất là ở xã, phường, thị trấn chưa được trang bị đúng mức nên cũng phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

* Vậy, trong năm 2014, công tác DS cần tập trung vào những nội dung gì để đạt được kết quả tốt hơn, thưa ông? 

Năm 2014 và những năm tiếp theo, công tác Dân số-KHHGĐ của tỉnh sẽ tập trung vào 5 nội dung chính, gồm: tập trung nâng cao chất lượng dân số; cải thiện sức khỏe bà mẹ trẻ em; phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng; chủ động điều chỉnh về tốc độ gia tăng dân số; kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh và duy trì mức sinh thấp, hợp lý. Để đạt những mục tiêu này, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ các cấp, bảo đảm đủ năng lực và điều kiện cơ sở vật chất để hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, triển khai tích cực các giải pháp và hoạt động mô hình, đề án tổng hợp để nâng cao chất lượng dân số, mở rộng phạm vi thích hợp trong những năm tiếp theo; tập trung xây dựng các mô hình can thiệp tích cực nhằm hạn chế dần tình trạng mất câm bằng giới tính khi sinh, hướng đến đưa chỉ số này về mức hợp lý. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về truyền thông chuyển đổi hành vi, nâng cao chất lượng dịch vụ DS-KHHGĐ; đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường lồng ghép các hoạt động dân số-chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đặc biệt, ngay từ đầu năm, chúng tôi sẽ triển khai trên diện rộng Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có mức sinh cao để sớm đạt được các chỉ tiêu về KHHGĐ, tạo cơ sở cho việc thực hiện mục tiêu giảm sinh của năm 2014.

Cộng tác viên dân số phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) đang tư vấn cho phụ nữ trên địa bàn về các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.
Cộng tác viên dân số phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) tư vấn cho phụ nữ trên địa bàn về các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.

* Đối với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngành có giải pháp gì để ổn định quy mô dân số và cơ cấu dân số của tỉnh, thưa ông?

Năm 2012, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tại Dak Lak là 111 trẻ trai/100 trẻ gái, năm 2013 là 110 trẻ trai/100 trẻ gái. Tuy năm 2013 có giảm so với năm 2012 nhưng mức giảm này chưa thực sự bền vững và còn có thể tăng lên nếu chúng ta không có biện pháp can thiệp sớm. Trên thực tế, để giải quyết được vấn đề này đòi hỏi cả xã hội chung tay thực hiện bởi nó liên quan đến phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng của từng vùng miền. Riêng với ngành Dân số, trước mắt sẽ đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động làm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Mặt khác, chúng tôi cũng đã đề xuất ngành chức năng đưa ra các biện pháp, quy chế xử lý mạnh những trường hợp siêu âm chẩn đoán giới tính hoặc những phương pháp điều trị, những bài viết hướng dẫn chọn con trai, con gái trên sách, báo và mạng internet…gây  ảnh hưởng đến việc mất cân bằng giới tính khi sinh. 

*Xin cảm ơn ông!

Kim Oanh (thực hiện)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.