Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Chăn nuôi (Kỳ 1)

08:24, 21/07/2019

Câu 1. Luật Chăn nuôi được thông qua vào ngày, tháng, năm nào? Có hiệu lực thi hành từ thời điểm nào? Phạm vi điều chỉnh và mục tiêu đặt ra khi ban hành Luật Chăn nuôi là gì? 

Luật Chăn nuôi được Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 19-11-2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020, được công bố theo Lệnh số 11/2018/L-CTN ngày 3-12-2018 của Chủ tịch nước. Luật Chăn nuôi có 8 chương, 83 điều.

Luật Chăn nuôi quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Luật Chăn nuôi được ban hành nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, kinh tế, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển ngành chăn nuôi phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển sản xuất ngành chăn nuôi, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân; tạo giá trị kim ngạch xuất khẩu và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Câu 2. Theo Luật Chăn nuôi, các thuật ngữ “chăn nuôi”, “chăn nuôi nông hộ”,“chăn nuôi trang trại”, “sản phẩm chăn nuôi” được hiểu như thế nào?

Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 33 Điều 2 Luật Chăn nuôi thì:

Chăn nuôi là ngành kinh tế - kỹ thuật bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi.

Chăn nuôi nông hộ là hình thức tổ chức hoạt động chăn nuôi tại hộ gia đình.

Chăn nuôi trang trại là hình thức tổ chức hoạt động chăn nuôi tập trung tại khu vực riêng biệt dành cho sản xuất, kinh doanh chăn nuôi.

Sản phẩm chăn nuôi bao gồm thịt, trứng, sữa, mật ong, sáp ong, kén tằm, tổ yến, xương, sừng, móng, nội tạng; lông, da chưa qua chế biến và các sản phẩm khác được khai thác từ vật nuôi.

Câu 3. Theo quy định của Luật Chăn nuôi thì chăn nuôi là ngành kinh tế - kỹ thuật bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi. Vậy theo Luật này, hoạt động chăn nuôi nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện những hành vi nào?

Điều 12 Luật Chăn nuôi quy định 14 hành vi nghiêm cấm trong chăn nuôi, cụ thể:

1. Chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.

2. Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

3. Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.

4. Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng.

5. Phá hoại, chiếm đoạt nguồn gen giống vật nuôi.

6. Xuất khẩu trái phép nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm.

7. Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

8. Nhập khẩu, kinh doanh, chế biến sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân.

9. Nhập khẩu, nuôi, phóng thích, sử dụng trái phép vật nuôi biến đổi gen, sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi biến đổi gen.

10. Sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi nhằm mục đích gian lận thương mại.

11. Thông đồng, gian dối trong thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định, công bố chất lượng, chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực chăn nuôi.

12. Xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào nơi tiếp nhận chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

13. Gian dối trong kê khai hoạt động chăn nuôi nhằm trục lợi.

14. Cản trở, phá hoại, xâm phạm hoạt động chăn nuôi hợp pháp.

 (Còn nữa)

Châu Thị Thu Thủy (Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.