Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Tố cáo năm 2018 (Kỳ 6)

08:40, 06/07/2019

Câu 31. Pháp luật quy định như thế nào về bảo vệ người tố cáo?

Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ). Người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ.

Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Câu 32. Người được bảo vệ có các quyền gì?

Người được bảo vệ có các quyền sau đây: Được biết về các biện pháp bảo vệ; được giải thích về quyền và nghĩa vụ khi được áp dụng biện pháp bảo vệ; đề nghị thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ; từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ; được bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người tố cáo đã đề nghị người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mà không áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc áp dụng không kịp thời, không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần cho người được bảo vệ.

Câu 33. Nghĩa vụ của người được bảo vệ được quy định như thế nào?

Người được bảo vệ có các nghĩa vụ sau đây: Chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ; giữ bí mật thông tin về việc được bảo vệ; thông báo kịp thời đến cơ quan áp dụng biện pháp bảo vệ về những vấn đề phát sinh trong thời gian được bảo vệ.

Câu 34. Việc đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ được thực hiện như thế nào?

Theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018  thì khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ) bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo thì người tố cáo có văn bản đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ. Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.

Câu 35. Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ cần có những nội dung gì?

Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ phải có các nội dung chính sau đây: (1) Ngày, tháng, năm đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; (2) Họ tên, địa chỉ của người tố cáo; họ tên, địa chỉ của người cần được bảo vệ; (3) Lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; (4) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo.

Câu 36. Việc thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ được thực hiện khi nào?

Về thay đổi, bổ sung việc áp dụng biện pháp bảo vệ được thực hiện trong trường hợp cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ xét thấy cần thiết hoặc trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của người được bảo vệ.

Việc áp dụng biện pháp bảo vệ chấm dứt trong các trường hợp sau đây: (1) Người giải quyết tố cáo đã ra kết luận nội dung tố cáo hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết tố cáo; (2) Cơ quan đã quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ khi xét thấy căn cứ áp dụng biện pháp bảo vệ không còn hoặc theo đề nghị bằng văn bản của người được bảo vệ.

Câu 37. Có bao nhiêu biện pháp bảo vệ người tố cáo?

Luật Tố cáo năm 2018 quy định 3 biện pháp bảo vệ người tố cáo, bao gồm: (1) Biện pháp bảo vệ bí mật thông tin; (2) Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm; (3) Biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe.

(Còn nữa)

Vũ Thị Minh Ngân (Sở Tư pháp)

[links()]


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.