Multimedia Đọc Báo in

Văn học Đắk Lắk: Sự chuyển mình mạnh mẽ

08:56, 20/10/2019

Chi hội Văn học (thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk) hiện có 63 hội viên, tập hợp những người sáng tác, nghiên cứu phê bình văn học trong tỉnh; trong đó có 37 hội viên chuyên ngành thơ và 26 hội viên chuyên ngành văn xuôi.

Trong những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn về kinh phí tổ chức hoạt động, số lượng hội viên cao tuổi chiếm tỷ lệ cao (có 41 hội viên từ 60 tuổi trở lên) sức khỏe và sức sáng tạo giảm sút nhưng Ban Chấp hành Chi hội đã vượt khó, đề ra nhiều biện pháp sáng tạo, linh hoạt, làm tốt công tác “xã hội hóa” và tổ chức được nhiều hoạt động sôi nổi, hiệu quả với số lượng đầu sách được xuất bản nhiều nhất so với các nhiệm kỳ trước đây. Chi hội Văn học tiếp tục khẳng định được vai trò là chi hội “xương sống” của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Chi hội chủ lực của Tạp chí Chư Yang Sin.

Các tác phẩm của hội viên Chi hội  Văn học  trong những năm qua.
Các tác phẩm của hội viên Chi hội Văn học trong những năm qua.

Trong 5 năm qua (2015 – 2019), đã có gần 300 lượt hội viên Chi hội Văn học tham gia các đoàn đi thực tế sáng tác ở trong tỉnh, ngoài tỉnh và các trại sáng tác do Chi hội, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh và Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam tổ chức (như đi các tỉnh miền Trung, Côn Đảo, các tỉnh Nam Bộ, Tây Bắc, Việt Bắc, các đồn biên phòng, các huyện); trong đó có gần 100 lượt hội viên được đi thực tế tại các đơn vị Công an trong tỉnh để viết bài tham gia Cuộc vận động sáng tác bút ký văn học về chủ đề “Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. Có 15 lượt hội viên được Chi hội tổ chức giới thiệu tác phẩm.

Nhờ tổ chức được nhiều cuộc đi thực tế, giao lưu, giới thiệu, tạo cảm hứng và có thêm tư liệu để sáng tác, nên 5 năm qua hội viên của Chi hội đã có trên 800 tác phẩm được chọn đăng trên Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Chư Yang Sin, Tạp chí Sông Hương và nhiều báo, tạp chí khác.

Các hội viên của Chi hội cũng đã cho ra mắt 23 đầu sách riêng, nổi bật như: Nguyên Hương có “Dị bản của mỗi nhà”, “Nắng vàng”, “Sáng trăng và Mặt trời”, “Voi chúa và Hoàng tử nhỏ”, “Đứng một chân và há mỏ ra”; Nguyễn Anh Đào có các tập truyện ngắn “Tiếng đàn khuyết”, “Đom đóm lập lòe”, “Giếng hoang”, “Thà cứ một mình rồi quen”, “Những hạt gạo xoay tròn”; Bùi Minh Vũ có hai tiểu thuyết “Cõi hồng”, “Người có lúc” và các tập thơ “Tôi hát về ngày không em”, “Chìa khóa mở vào thế giới”, “Tình yêu muộn”, “Màu Thổ cẩm”; Đàm Lan có các tập thơ “Bâng khuâng tứ tuyệt Đàm Lan” và “Trầm ca”.  Hay Nguyễn Hồng Chiến có tập truyện ngắn “Bí mật của H’Loan”, tập bút ký “Trở lại buôn M’um”; Lê Thành Văn có các tập tiểu luận “Miền thơ thao thức”, “Cảm bình thơ chương trình tiểu học” (2 tập); Hữu Chỉnh có trường ca “Nước mắt Trường Sơn” và tập tiểu luận “Cảm nhận bạn bè”; Nguyễn Văn Thiện có tiểu thuyết “Nước mắt màu xanh thẫm”, tập truyện “Trò chơi đồng xanh”; Đặng Bá Tiến có các tập thơ “Hồn cẩm hương”, “Lá chiêm bao”; Bích Thiêm có tập truyện “Khi mẹ vắng nhà”, tập tản văn “Mùa vàng hoa chút bâng khuâng”; Hồ Hồng Lĩnh có các tập thơ “Sang mùa” và “Đi qua ngày nắng”; Khôi Nguyên có tiểu thuyết “Đại Ngàn” - tiểu thuyết “dài hơi” nhất của Đắk Lắk kể từ trước tới nay (758 trang)... 

Nhiều hội viên của Chi hội đã được trao giải thưởng hằng năm của các hội chuyên ngành Trung ương, Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh và của các ngành, các địa phương tổ chức như Nguyên Hương, Hồng Chiến, Nguyễn Anh Đào, Đặng Bá Tiến, Lê Thành Văn, Hồ Hồng Lĩnh, Bích Thiêm, Trần Thị Ánh Nguyệt, Tiến Thảo...

Có thể khẳng định: Trong 5 năm qua, văn học Đắk Lắk đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, với sự ra đời nhiều tác phẩm có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, góp phần quan trọng vào việc cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc trong tỉnh phấn đấu vươn lên thực hiện thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh địa phương; làm tốt nhiệm vụ dẫn dắt, hướng người đọc đến những giá trị chân - thiện - mỹ.

Trong 5 năm qua tập thể Chi hội Văn học đã hai lần được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Thành thích của Chi hội Văn học đã góp phần quan trọng để 7 năm liền (từ 2012 - 2018) Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Phan Vũ


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.