Multimedia Đọc Báo in

Muốn vượt trí tuệ nhân tạo, chỉ có sáng tạo không ngừng!

09:32, 24/03/2024

Dòng chảy phát triển công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay đang tiếp tục ghi nhận những thành quả mới, ngày càng lấn sâu vào cuộc sống. AI đang khiến nhiều người lo sợ, nhất là giới truyền thông, thông tin văn hóa và nghệ thuật.

Để chuyển hóa nguy cơ, các chuyên gia nhìn nhận, chỉ có cách sáng tạo không ngừng, khẳng định giá trị chất xám và cảm xúc của con người, mới có thể vượt qua những ưu thế của AI.

“Muôn trận” hình AI…

Ông Vũ Quang Hùng, kiến trúc sư tại Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng mới đây đã chia sẻ trên mạng xã hội hình ảnh những văn phòng thiết kế kiến trúc, xây dựng qua từng 10 năm phát triển, từ năm 1980 đến năm 2050. Những hình ảnh này, do phần mềm AI vẽ nên, căn cứ dữ liệu thực tế và những đánh giá, phân tích về tương lai. Theo đó, những văn phòng thiết kế từ buổi đầu xuất hiện máy tính cá nhân, cho đến nay với vô vàn loại máy tính cầm tay, ứng dụng số, nhiều màn hình…, là cả một quá trình phát triển công nghệ mạnh mẽ. Nhưng, dự báo từ năm 2030, máy tính được điều khiển bởi AI sẽ dần chiếm lĩnh văn phòng làm việc, số lượng người có mặt tại chỗ không còn nhiều. Diện mạo các văn phòng đầy máy móc hiện đại sẽ thể hiện một thực tế: AI sẽ chiếm chỗ lao động, và con người “bị đẩy ra ngoài hành lang”.

Không ít đồng nghiệp kiến trúc sư của ông Hùng, nhìn những hình ảnh đó đều thừa nhận có lý, vì hiện tại, AI đã chứng minh sức mạnh của nó. Thông tin các hội chợ công nghệ quốc tế gần đây, với trào lưu dùng công cụ AI làm việc, thu được những thành quả siêu việt về tốc độ và độ chính xác, khiến người ta ngơ ngác. Câu hỏi “khi nào AI vượt con người” đã lạc hậu, vấn đề được giới chuyên môn đặt lại: làm sao để con người vượt được AI?

Một số đánh giá từ các nhà tư vấn công nghệ phía Nam cho thấy, tốc độ lan tràn công cụ AI trong khối văn phòng làm việc hiện đã khó kiểm soát. Hầu như mọi lĩnh vực sử dụng công nghệ, nhất là các khâu kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả hoạt động đều sử dụng AI. Một số phần mềm chuyên môn, như phần mềm khám mắt mới đây được một nhóm bác sĩ Việt công bố, đang dần hình thành và thay thế người làm chuyên môn. Không ít bạn trẻ trong học tập bắt đầu “làm bài qua AI”. “Nếu không thay đổi thói quen làm việc và thấy rõ vị trí của trí tuệ nhân tạo, chúng ta sẽ không có cơ hội”, ông Hùng nhận xét.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Khẳng định sự khác biệt!

Điều ai cũng thấy, là công cụ AI dựa trên hệ dữ liệu đồ sộ để học tập và đưa ra những phương án, bài giải có tính tổng hợp. Thành quả của AI là các sản phẩm tích hợp, nên có một khối lượng đồ sộ những ngữ cảnh, vấn đề, chi tiết phía sau, mà ngay một nhóm người chung tay cũng không thể giải quyết tốt hơn. Cho nên, nhìn một bức tranh do AI vẽ, hay công trình xây dựng được công cụ AI thiết kế, ai cũng sẽ cảm nhận được độ tinh tế chính xác ở từng chi tiết, và khả năng khái quát cực kỳ cao về toàn cảnh.

Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, điều AI không có được, chính là cảm xúc. Đây là điểm đặc biệt mà con người vượt AI một cách hiển nhiên. Một công cụ khám mắt qua AI chỉ đơn thuần tiếp cận bệnh nhân với các chỉ số đo đạc chuẩn xác, không thể nắm được trạng thái bệnh nhân đang lo sợ hay bình thản, trong khi chính dao động cảm xúc đó luôn ảnh hưởng kết quả thăm khám. Do đó, lấy cảm xúc làm nền tảng xây dựng những giải pháp, cách thức xử lý vấn đề, sáng tạo không ngừng trong quá trình làm việc, là cách thức giúp con người tự tin về khả năng vượt qua trí tuệ nhân tạo.

Nhận diện đúng vấn đề này, những người làm công tác truyền thông, văn hóa và nhất là nghệ thuật, tất yếu sẽ không cảm thấy bị áp lực khi công nghệ AI lớn mạnh. Thậm chí, xét về cơ hội cải thiện chất lượng sáng tác, thẩm định các tác phẩm, việc vận dụng công nghệ AI vào hỗ trợ hoạt động truyền thông, văn hóa sẽ hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích hơn. Một nhà thơ, một họa sĩ sẽ yên tâm khẳng định được chân giá trị của mình, khi đưa ra các tác phẩm của mình, sử dụng AI để kiểm tra, phát hiện những bản sao chép, ăn cắp bản quyền. Một tác phẩm báo chí, văn học cũng rất nhanh nhận được phản hồi tình trạng “đạo văn” từ những người khác. Điều này càng làm tôn vinh giá trị những người sáng tạo văn học, nghệ thuật và trấn áp nghiêm tình trạng “ăn cắp chất xám” lâu nay.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu (Huế) nhìn nhận, “sẽ chỉ có những ai quen tay lấy của người khác làm của mình” mới lo sợ trước sự phát triển mạnh mẽ về ứng dụng AI. Những người thực sự có năng lực sáng tác, sẽ rất tự nhiên và hứng thú trước thực tại kiểm chứng rõ ràng, nhanh chóng qua công cụ AI, dựa vào hệ thống dữ liệu so sánh khổng lồ mà nền công nghệ hiện đại đáp ứng. Từ đó, khả năng làm việc của những người hoạt động báo chí, văn hóa, nghệ thuật sẽ càng được thúc đẩy mạnh hơn. Sáng tạo không ngừng, chính là lựa chọn quan trọng để vượt qua AI, và cũng là vượt qua những kẻ “quen sống nhờ bằng trí tuệ người khác”. Có thêm công cụ AI thì những hành vi sao chép, gian dối trong sáng tạo càng lộ rõ. Như vậy, cộng đồng xã hội nên tôn vinh, ủng hộ những ứng dụng công nghệ AI phục vụ hoạt động truyền thông, quảng bá, sáng tác, nghệ thuật, chứ không phải lo lắng, sợ hãi gì.

Rõ ràng trong dòng chảy thời sự về công nghệ chuyển đổi số, xã hội hiện đại sẽ ngày càng tiếp cận và chấp nhận sự hiện hữu những thành quả ứng dụng AI, và điều này, khi đi cùng sự trung thực, minh bạch của hoạt động sáng tạo không ngừng từ những người tham gia sáng tác, những giá trị văn hóa tinh thần sẽ càng có cơ hội tỏa sáng cùng sức mạnh AI.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc