Multimedia Đọc Báo in

Nghĩa trang nơi vạn hài nhi yên nghỉ

09:35, 28/03/2016

Nằm trong Nghĩa trang Giáo xứ Thánh Tâm (thuộc Giáo phận Buôn Ma Thuột) có khu vực được dành riêng để chôn cất cho những hài nhi xấu số.

Quản trang Nguyễn Lê Trung dẫn tôi đi trên con đường hai bên san sát những ngôi mộ người lớn được xây dựng ngang hàng, thẳng lối, đến góc cuối của nghĩa trang, một khu vực rộng cả trăm mét vuông được phủ kín bởi những ngôi mộ của những hài nhi xấu số. Những ngôi mộ lớn bé khác nhau, được lát gạch hoa, đá gọn gàng, sạch sẽ. Trên những mộ phần bé nhỏ ấy đa phần đều không có họ tên, chỉ có những bài thơ được những người lập mộ (những người hảo tâm) khắc trên những tấm bia với những lời lẽ thương xót cho số phận bi thương của những hài nhi xấu số, là lời trách móc những người cha, người mẹ đã nhẫn tâm vứt bỏ máu mủ của mình khiến ai đọc cũng không khỏi chạnh lòng.
Ông Nguyễn Lê Trung bên khu mộ phần của những hài nhi xấu số.
Ông Nguyễn Lê Trung bên khu mộ phần của những hài nhi xấu số.

Ông Trung cho biết, từ năm 2007, nghĩa trang bắt đầu tiếp nhận chôn cất những hài nhi bị bỏ lại ở các bệnh viện hay bị người ta đưa đến bỏ lại ở khu vực nghĩa trang, mọi chi phí chôn cất do Giáo phận Buôn Ma Thuột bỏ ra. Trong vòng 10 năm qua, ở đây đã chôn cất, lập mộ phần cho khoảng 10.000 hài nhi. Trong số những hài nhi này, chỉ một số ít được cha mẹ chúng đưa đến lập mộ phần, còn phần lớn đều bị bỏ rơi. Ông Trung mới về quản lý nghĩa trang này được 2 năm, công việc chính của ông là trông coi nghĩa trang từ sáng đến tối, ngoài ra ông còn gánh vác thêm việc gom nhặt và chôn cất những thai nhi - công việc mà bấy lâu ông vẫn mong cho mình “thất nghiệp”. Bởi trong thời gian ông làm việc tại đây, đã có hơn 1.800 hài nhi được đưa đến chôn cất, tính ra mỗi ngày có khoảng 2-3 hài nhi. Ông không giấu diếm, mới đầu về đây, khi tự tay đưa những hài nhi vào hũ sành và chôn cất cho chúng cũng có cảm giác sợ hãi, nhưng lâu dần rồi cũng quen, thay vào đó là sự thương xót cho những hài nhi xấu số chưa kịp nhìn thấy ánh mặt trời đã bị cha mẹ chúng từ bỏ. “Mình không thể mang lại cuộc sống cho các cháu, nhưng cố gắng lo cho chúng một nơi chốn yên bình để an nghỉ”, ông tâm niệm.   

Vào sáng sớm, hay buổi chiều khi bắt đầu công việc của một quản trang, theo thói quen, ông Trung lại rảo một vòng ở xung quanh tường rào và bên trong nghĩa trang để kiểm tra xem có vật dụng gì lạ bị bỏ lại không, vì người ta thường đựng thai nhi trong bịch bóng hay thùng giấy lén mang đến đây vứt bỏ, khi thì họ treo lên trước cổng, khi thì bỏ lên một phần mộ của nghĩa trang. Khi phát hiện ông liền kiểm tra, nếu là xác hài nhi thì ông sẽ lau sạch sẽ, cho vào hũ sành chôn cất, và kinh cầu nguyện cho linh hồn của hài nhi vừa được sớm siêu thoát. Trong số hàng nghìn hài nhi tự tay chôn cất, ông vẫn ám ảnh mãi trường hợp cách đây cách đây khoảng 4 tháng; chiều hôm đó, trong khi đang làm công việc thường nhật của mình tại lối đi chính của nghĩa trang ông phát hiện một thùng giấy to ai đó để lại. Ông tiến đến kiểm tra và hoảng hốt khi phát hiện bên trong hộp một thai nhi là bé gái độ 5 tháng tuổi đã đầy đủ hình hài, nằm quắt queo trong thùng giấy, ông rụng rời tay chân, không khóc mà nước mắt cứ ứa ra. Thương cho đứa trẻ chưa kịp chào đời đã bị vứt bỏ, ông lau thi thể bé rồi đặt vào tiểu sành chôn cất và cầu nguyện cho bé. “ Nhìn đứa trẻ tội nghiệp bị ruồng bỏ mà thấy xót xa, sao người ta lại ác độc bỏ chúng đi”, ông Tùng buồn bã nói.

Đến nay, hai khu đất rộng mỗi khu hàng trăm mét vuông dành để chôn cất cho những hài nhi nay đã chật kín những mộ phần, nghĩa trang phải cho đào 2 hố lớn để làm ngôi mộ chung cho các cháu. “Đất của nghĩa trang nay cũng đã sắp hết nên chúng tôi phải làm cách này mới có đủ chỗ cho các cháu an nghỉ. Các cháu đã bất hạnh khi không được sinh ra, nay đến một chỗ yên nghỉ cũng không có thì tội lắm!”- ông Tùng chia sẻ. 

 Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.