Multimedia Đọc Báo in

Động Thiên Đường: Kỳ quan kỳ vĩ và tráng lệ trong lòng đất

11:17, 10/08/2019
Động Thiên Đường – “Thiên cung trong lòng đất” thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Hang động này nằm trong lòng quần thể núi đá vôi ở độ cao 191 m và giữa rừng nguyên sinh thuộc Di sản Thiên nhiên thế giới và rừng quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. 

Động Thiên Đường được ông Hồ Khanh, một người dân địa phương phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1990. Năm 2005, chính ông Khanh cùng với đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh khám phá toàn bộ hệ thống hang động và xác lập được hàng loạt kỷ lục, trong đó có kỷ lục về độ dài 31,4 km, chiều cao 60 m và chiều rộng dao động từ 30 – 150 m, có nơi lên đến 200 m. Theo nhận định của đoàn thám hiểm, đây là hang động khô dài nhất châu Á. Đặc biệt, vẻ lung linh, huyền ảo của hệ thống măng đá, nhũ đá trong hang khiến ai cũng ngỡ như thiên cung nơi trần thế.

Đường vào động Thiên Đường mát rượi vì được những tàng cây cổ thụ thẳng tắp, cao lớn che phủ quanh năm. Để tới được cửa động, du khách phải leo hơn 550 m bậc đá tính từ chân núi. Vẻ ngoạn mục của động Thiên Đường bắt đầu từ cửa hang cao chừng 3,2 m vừa đủ cho từng người lần lượt đi vào. Bên trong hang dường như là một thế giới khác, nơi mà nhiệt độ chỉ chừng 18 độ C khiến du khách quên đi những mệt mỏi sau khi leo núi và trỗi dậy cảm giác khao khát khám phá những điều kỳ thú.

Tháp Liên Hoa
Tháp Liên Hoa

Bước qua cửa hang sẽ gặp ngay một con dốc thạch nhũ với vô vàn hình thù, có nhiều dấu tích mới mẻ, ngả nghiêng như thể vừa được tạo tác. Càng đi vào trong động thì độ dốc càng lớn hơn. Ban quản lý động đã đầu tư xây dựng một con đường gỗ táu dài 1,5 km, với 524 bậc, rộng 3,5 m cùng hệ thống đèn chiếu sáng được bố trí một cách khoa học khiến những khối thạch nhũ, măng đá bộc lộ hết vẻ huyền ảo, tráng lệ đúng như khởi nguyên nó được tạo dựng.

Thạch nhũ của động Thiên Đường rủ từ trần hang xuống, nhô từ dưới nền đất đá lên với vô vàn hình thù kỳ thú. Hệ thống vòm hang cao vút, rộng lớn nối tiếp nhau. Trong khi đó, “bức tranh” thạch nhũ được tạo hóa “vẽ” lên trần hang lại mỹ miều và biến đổi theo từng khoang khiến người xem mặc sức tưởng tượng. Để gói gọn lại những lời trầm trồ, thán phục trước vẻ lung linh, huyền ảo mà tạo hóa ban tặng cho nơi đây, các chuyên gia hang động đã sử dụng những danh xưng hết sức đẹp đẽ như: Cung Thạch Hoa Viên, cung Quảng Hàn, cung Giao Trì, cung Quần Tiên Hội Tụ, cung Đại Thánh Đường, cung Giao Hòa…   

Trong từng cung, thạch nhũ, măng đá lại diễn tả các hình dạng phù điêu đa dạng như ở cung Thạch Hoa Viên là khối thạch nhũ tựa hình Đức Mẹ đồng trinh đang bế Chúa Hài đồng; cung Giao Trì là nơi Ngọc hoàng và cận thần bàn chuyện thế sự, có phượng hoàng, kỳ lân chầu chực xung quanh; cung Quảng Hàn nơi có bức rèm the thạch nhũ của tiên nữ hay cung Quần Tiên là nơi hội tụ quần thể tượng Phật A Di Đà… 

Ấn tượng hơn cả là tháp Liên Hoa nhô lên một khối thạch nhũ tuyệt đẹp mang hình thù cây thông Nô-en hình thành từ những trầm tích hang động bồi đắp trong hàng triệu năm. Tháp Liên Hoa còn là biểu tượng cho vẻ đẹp sinh – diệt của thiên nhiên khi măng đá qua thời gian lớn lên thành một đại tháp, đại tháp sau đó thành cổ tháp, cổ tháp rồi cũng sẽ đổ xuống để đón nhũ non mọc lên. Cứ như thế theo vòng luân hồi của đất trời tạo nên vẻ đẹp vượt thời gian như đưa du khách lạc vào cõi siêu thực.

Bên cạnh hệ thống cung tháp, nhũ đá, động Thiên Đường còn huyễn hoặc người xem bằng những kiệt tác liên tưởng đến bản sắc văn hóa vùng miền, đó là các dòng thác đá đổ xuống thành những thớ đá phân bậc cao thấp, nằm sóng soài và dài hun hút như thửa ruộng bậc thang của người Tây Bắc được gọi tên là thác Thiên Hà; nhiều cột thạch nhũ mang hình tháp Chămpa rồi có thêm các hình nhũ đá mang hình ảnh mái nhà Rông của người Tây Nguyên, tất cả đều quyến rũ, đủ màu tựa như chốn bồng lai tiên cảnh.

Thác Thiên Hà
Thác Thiên Hà

Động Thiên Đường còn có các hồ nước nhỏ bé trong vắt, mát rượi hình thành từ những dòng nước rơi xuống từ trần hang tựa như dòng sữa mát lành dưỡng nuôi hằng hà nhũ đá đang vận động sinh sôi để tạo nên những kiệt tác mới mẻ. Những hồ nước hình thành từ quá trình kiến tạo hang động nhưng luôn vuông vức, ngọt lịm tạo cho du khách cảm giác sảng khoái, ngắm nghía mãi không thôi. 

Trước đây, du khách đến động Thiên Đường chỉ tham quan 1,5 km đầu tiên trên hệ thống cầu thang gỗ dài. Nhưng nay, từ điểm dừng chân cuối cùng,động Thiên Đường còn vào sâu được 7 km nữa với cảnh sắc vô cùng lộng lẫy, tráng lệ. Nếu muốn tiếp tục khám phá, du khách phải đi theo tour chứ không tự đi được. Tour thám hiểm động Thiên Đường thêm 7 km chỉ được tổ chức mùa khô vì mùa mưa nước dâng cao không tham quan được.

Động Thiên Đường xứng đáng là một thiên cung giữa cõi trần, là kỳ quan huyền ảo và tráng lệ bậc nhất thế giới. Động Thiên Đường mang vẻ đẹp hoang dại và kỳ bí của buổi tạo thiên lập địa, quả thật là chốn thiên đường mà tạo hóa đã ban tặng cho đất Quảng Bình.

Nguyễn Tiến Dũng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.