Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với nông thôn mới

17:12, 30/07/2019

Sáng 30-7, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với nông thôn mới. 

Tham dự có đại diện các viện nghiên cứu, bộ, ngành Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp, chuyên gia tư vấn du lịch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh chủ trì hội thảo.

Đắk Lắk được đánh giá là vùng đất có bề dày lịch sử và giàu bản sắc dân tộc, với nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của 47 dân tộc anh em cùng sinh sống. Hiện tỉnh có 32 di tích được xếp hạng (trong đó có 2 Di tích Quốc gia đặc biệt, 17 Di tích Quốc gia và 13 Di tích cấp tỉnh) và rất nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng. Đắk Lắk cũng có 211 cơ sở lưu trú du lịch, gồm 81 khách sạn và 130 nhà nghỉ, nhà khách với hơn 4.500 buồng, có thể phục vụ khoảng 9.000 lượt khách lưu trú cùng một thời điểm; 18 đơn vị kinh doanh lữ hành du dịch; 27 khu, điểm tham quan du dịch; 9 cơ sở mua sắm đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; 92 hướng dẫn viên du lịch.

ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh phát biểu khai mạc hội thảo

Bên cạnh đó, Đắk Lắk còn sở hữu nền sản xuất nông nghiệp sinh thái gắn với truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Đây chính là lợi thế lớn của tỉnh trong việc vừa phát triển nông nghiệp, vừa phát triển du lịch để làm tăng thêm giá trị các sản phẩm nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống, tăng thu nhập cho nông dân vùng nông thôn, qua đó bảo tồn, phát huy được các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống vùng miền, bản sắc dân tộc… Tuy nhiên, hiện du lịch nông nghiệp là lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Đắk Lắk nên vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, đơn điệu, trùng lặp; sản phẩm nông nghiệp chưa chú trọng đến xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bao bì…

ảnh
Các đại biểu tham gia hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm làm du dịch cộng đồng, mô hình homestay kết hợp với bảo tồn văn hóa. Các đại biểu cho rằng, tiềm năng về phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp ở Đắk Lắk còn nhiều dư địa, tỉnh cần chọn ra những điểm khác biệt, những nét văn hóa đặc sắc chỉ có ở Tây Nguyên để làm sản phẩm du lịch đặc trưng. Mặt khác, cần chú ý đến vấn đề vệ sinh môi trường sinh thái cảnh quan và công tác quản lý, quảng bá sản phẩm du lịch, liên kết văn hóa vùng miền; cần có chính sách phù hợp để tạo động lực cho các mô hình du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới phát triển.

ảnh
Đại biểu tham gia ý kiến

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh cho rằng, để phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với nông thôn mới hiệu quả hơn, các sở, ngành cần tập trung bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tại địa phương; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp du lịch, hiệp hội du lịch cần tích cực, chủ động, tăng cường liên kết trong khai thác phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp. Hội thảo này là cơ hội kết nối giữa Đắk Lắk cùng những sản phẩm du lịch của địa phương với các công ty du lịch trong nước để sớm đưa du lịch cộng đồng của tỉnh nhà phát triển.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.