Multimedia Đọc Báo in

Những kết quả quan trọng sau 15 năm thực hiện công tác dân tộc

09:53, 26/03/2019

Sau khi có Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc, ngoài việc tổ chức phổ biến, quán triệt cho cán bộ chủ chốt của tỉnh, ban hành chương trình, kế hoạch, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể triển khai thực hiện tốt các nội dung nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết đã đề ra.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, nhận thức của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên về vấn đề dân tộc, về chính sách dân tộc, công tác dân tộc đã được nâng lên. Một số chính sách dân tộc đã được triển khai, cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của địa phương, cơ sở. Kết quả quan trọng về công tác dân tộc thể hiện qua việc tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài việc nhận được sự hỗ trợ từ Trung ương hơn 1.006 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các thôn, buôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã căn cứ kháng chiến, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thôn, buôn gắn với định canh, định cư, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, trọng tâm là đồng bào vùng sâu, vùng xa, bằng các nguồn lực của địa phương.

Cán bộ phòng Dân tộc huyện Ea Kar thăm hỏi đời sống người dân buôn Ea Gar,  xã Cư Ni, huyện Ea Kar
Cán bộ phòng Dân tộc huyện Ea Kar thăm hỏi đời sống người dân buôn Ea Gar, xã Cư Ni, huyện Ea Kar.

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã huy động được 22.729 tỷ đồng vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực biên giới, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Các ban, ngành, cơ quan chuyên môn đã tập trung triển khai thực hiện các chính sách, chương trình dự án trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số như chương trình vay vốn, giải quyết việc làm, dự án định canh, định cư.

Các nhiệm vụ và mục tiêu của Nghị quyết 24 cơ bản đã đạt kết quả tốt, lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục được quan tâm đầu tư, dân trí được nâng cao, sản xuất phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố tăng cường.

Theo đó, đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, vùng dân tộc thiểu số không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,34% (từ 37,17% xuống còn 29,83%), thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các dân tộc, các vùng, xóa tình trạng nhà tạm dột nát; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã và có điện lưới quốc gia; 97,2% thôn, buôn có điện và 98% hộ được dùng điện sinh hoạt, giải quyết cơ bản vấn đề đất sản xuất cho nông dân thiếu đất. Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách về văn hóa, y tế, giáo dục, tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số. Cán bộ dân tộc thiểu số từ tỉnh đến cơ sở đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Năm 2017, tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số chiếm 12,9% tổng số cán bộ công chức, viên chức toàn tỉnh thì đến nay con số này đã tăng lên 14,28%.

Phụ nữ dân tộc thiểu số xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột giữ gìn, phát huy nghề dệt truyền thống.  Ảnh: N. Xuân
Phụ nữ dân tộc thiểu số xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột giữ gìn, phát huy nghề dệt truyền thống. Ảnh: N. Xuân

Ngoài thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Dân vận, Mặt trận, đoàn thể, lực lượng vũ trang tăng cường tuyên truyền vận động quần chúng nâng cao nhận thức, cảnh giác trước âm mưu thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả dân tộc, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận, các đoàn thể đối với việc thực hiện chính sách dân tộc; đổi mới nội dung phương thức công tác dân tộc; xây dựng và nâng cao chính sách đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số thì nhiệm vụ và giải pháp quan trọng vẫn là tăng cường hơn nữa quản lý nhà nước về công tác dân tộc, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng khó khăn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập nảy sinh trong đó có tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai giữa các hộ dân tộc thiểu số với các nông lâm trường. Đặc biệt, để thực hiện công tác dân tộc phù hợp với giai đoạn hiện nay, Trung ương cần nghiên cứu ban hành nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 24, trong đó khi xây dựng các chính sách cần chú ý đến đặc thù của các vùng dân tộc và một số dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt, để mức hưởng thụ chính sách của đồng bào được nâng lên, góp phần bảo đảm sự bình đẳng giữa các dân tộc, tạo nên một sức bật mới cho vùng dân tộc miền núi, trong đó có tỉnh Đắk Lắk.

  Mai Lan Anh

(Ban Dân vận Tỉnh ủy)


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.