Multimedia Đọc Báo in

Phong trào tiết kiệm theo gương Bác ở huyện Cư M'gar

08:15, 30/04/2021

Học theo những lời Bác dạy, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở huyện Cư M’gar đã nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân với sự phát triển chung của đất nước.

Tiết kiệm theo gương Bác là một trong những phong trào điển hình của Đảng bộ huyện Cư M'gar, tạo được sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội tích cực vì đem lại lợi ích cho cộng đồng. Từ phong trào này, huyện đã huy động được nhiều tỷ đồng để xây dựng nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ con giống cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn. 

Cán bộ, đảng viên, công chức xã Quảng Hiệp tiết kiệm 1.000 đồng nuôi heo đất gây quỹ.
Cán bộ, đảng viên, công chức xã Quảng Hiệp tiết kiệm 1.000 đồng nuôi heo đất gây quỹ.
Từ năm 2012 đến nay, Chương trình tiết kiệm làm theo tấm gương của Bác ở huyện Cư M’gar đã tiết kiệm được hơn 14 tỷ đồng, đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 344 gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn.

Ở xã Quảng Hiệp, ngày 17-10 hằng năm là ngày hội đập heo đất của xã để lấy tiền hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo. Trước đó, từ năm 2011 Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã lập kế hoạch, vận động cán bộ công chức, đảng viên nuôi heo đất gây quỹ hỗ trợ người nghèo. Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Tháng 1 hằng năm, xã phát động cán bộ, đảng viên và nhân dân đăng ký nuôi heo đất. Hộ nuôi heo đất tự giác mỗi ngày tiết kiệm 1.000 đồng bỏ vào heo. Tính đến nay, xã vận động nuôi được gần 2.400 con heo, với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng, đã hỗ trợ làm mới, sửa chữa 26 căn nhà dột nát cho hộ nghèo; hỗ trợ 74 cặp dê sinh sản cho 49 hộ nghèo, hộ cận nghèo”.

Nhờ nguồn tiền tiết kiệm này gia đình anh Trần Minh Phương (ở thôn Hiệp Thành) đã có được căn nhà kiên cố để ở thay cho căn nhà dột nát bấy lâu nay. Anh Phương xúc động nói: "Năm 2013, tôi không may bị tai nạn giao thông, mất khả năng lao động. Một mình vợ làm thuê nuôi 7 miệng ăn, đứa con gái đầu lòng đã phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp bố mẹ. Chia sẻ hoàn cảnh khốn khó của vợ chồng tôi, Đảng ủy xã đã hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn Quỹ tiết kiệm nuôi heo đất, cùng sự giúp đỡ của người thân, hàng xóm, gia đình tôi xây được căn nhà cấp 4 kiên cố".

Từ mô hình nuôi heo đất ở xã Quảng Hiệp, phong trào “Nuôi heo đất” đã lan rộng toàn huyện Cư M’gar. Năm 2012, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Công văn số 258-CV/HU về “Triển khai thực hành tiết kiệm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang tiết kiệm 1.000 đồng/người/ngày nhằm xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn huyện. Ông Nguyễn Thiên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cho biết: Chương trình tiết kiệm làm theo tấm gương của Bác đã lan tỏa sâu rộng, có 17/17 xã trong toàn huyện triển khai mô hình nuôi heo đất gây quỹ, trung bình mỗi năm tiết kiệm được khoảng hơn 1 tỷ đồng. Số tiền này dùng để xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho hộ khó khăn trên địa bàn.

Ngày hội đập heo đất của phụ nữ xã Cư Dliê M'nông để trích quỹ tương trợ lẫn nhau.
Ngày hội đập heo đất của phụ nữ xã Cư Dliê M'nông để trích quỹ tương trợ lẫn nhau.

Ngoài nuôi heo đất, các địa phương, hội, đoàn thể trên địa bàn huyện Cư M’gar tùy tình hình thực tế đã xây dựng nhiều mô hình tiết kiệm như “Hũ gạo tiết kiệm”, “Ống tiền tiết kiệm”, “Quỹ Vì đồng đội”… Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, mỗi ngày chị em hội viên bỏ heo đất từ 1.000 - 2.000 đồng hoặc một nắm gạo để đóng góp vào quỹ tiết kiệm, tương trợ nhau. Hội viên phụ nữ xã Cư M’gar, thị trấn Ea Pốk còn đặt “Hũ gạo tiết kiệm” tại nhà máy xay xát gạo để người dân tự nguyện quyên góp. Từ năm 2016 đến nay, các hội viên đã tiết kiệm được hơn 250 triệu đồng và trên 1,5 tấn gạo kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi, tàn tật trên địa bàn.

Sáng tạo trong triển khai, tích cực trong vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham gia các phong trào, cuộc vận động tiết kiệm theo gương Bác, năm 2019 Huyện ủy Cư M'gar đã triển khai hai khâu đột phá, đó là đẩy mạnh cải cách hành chính để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn và vận động cán bộ, nhân dân có điều kiện quyên góp xây dựng nhà vệ sinh cho các trường học vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số chưa có nhà vệ sinh. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, toàn huyện đã xây dựng 15 nhà vệ sinh cho các trường học trên địa bàn, trị giá hơn 1,2 tỷ đồng. Hiện tại, Ban Thường vụ Huyện ủy đang tiếp tục triển khai các phong trào tiết kiệm để xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo; phấn đấu đến cuối năm 2021 hoàn thành việc xây dựng nhà vệ sinh ở tất cả trường học trên địa bàn để bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của giáo viên và học sinh; đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức 4.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.