Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu từ mô hình vườn - ao - chuồng

14:28, 19/01/2015
Từ hai bàn tay trắng, gia đình ông Nguyễn Duy Tiên, thôn 12A (xã Ea Kly, huyện Krông Pak) đã xây dựng nên một cơ ngơi khang trang, với đầy đủ tiện nghi hiện đại; mỗi năm, mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) của gia đình mang lại thu nhập trung bình khoảng 550 triệu đồng. 

Sinh ra và lớn lên ở huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương), năm 1978, cựu chiến binh Nguyễn Duy Tiên rời quê hương để vào vùng kinh tế mới ở xã Ea Kly lập nghiệp. Sau vài năm trồng cà phê, nhưng năng suất thấp, năm 2003, gia đình ông quyết định chuyển sang trồng 1 ha vải thiều – loại cây ăn quả mà nhiều người vẫn nghĩ chỉ có khí hậu miền Bắc mới thích hợp. Từng trải qua nhiều lần thất bại trong việc tiếp cận nguồn giống, nhưng không vì thế mà ông nản lòng. Quyết tâm đổi đời, ông Tiên đã học hỏi, nghiên cứu các giống vải trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đất Tây Nguyên để áp dụng cho khu vườn của mình. Nhằm tiêu thụ dễ dàng, ông chọn giống vải chín sớm hơn so với vải thiều miền Bắc từ 2-3 tháng, cụ thể là các giống: U trứng, Bình Khê, Thiều U Cẩm Hoàng… Các giống vải này quả khá to, hình trứng, khi chín màu đỏ thẫm, mỏng vỏ, gai thưa và ngắn, vị ngọt thanh nên được nhiều người ưa chuộng. Nhờ vậy, lượng vải cung cấp ra thị trường đều bán hết, có những mùa cung không đủ cầu và bán rất được giá.

	Ông Nguyễn Duy Tiên (bên trái) chia sẻ cách trồng vải thiều với người dân trong xã.
Ông Nguyễn Duy Tiên (bên trái) chia sẻ cách trồng vải thiều với người dân trong xã.

Kết thúc một mùa thu hoạch, ông Tiên lại tỉ mẩn tỉa từng cành cây, chuẩn bị cho mùa vụ mới. Ông chia sẻ kinh nghiệm: “Vải dễ trồng, nhưng để đạt năng suất như mong muốn thì không phải dễ. Sau mỗi vụ thu hoạch, cần phải tỉa cành, tạo hình, chăm sóc và bón phân đầy đủ, trung bình mỗi năm bón phân ít nhất 3 lần…”. Được chăm sóc đúng, năm nào vườn vải trên 230 cây cũng đều cho thu hoạch trên 17 tấn trái, mang lại thu nhập bình quân cho gia đình khoảng 500 triệu đồng/năm. Sau mùa thu hái, gia đình ông còn bán thêm cành giống với giá 60 nghìn/cành, mỗi mùa bán ra từ 900 – 1.000 cành cho các hộ có nhu cầu trồng vải. Hiện nay, vải thiều ông Tiên đã có vị thế nhất định trên thị trường tiêu thụ của tỉnh, được người tiêu dùng lựa chọn.

Song song với việc phát triển cây ăn quả, từ năm 1992, ông Tiên đào thêm 1 ao cá ngay tại vườn để nuôi rô phi đơn tính, cá chép… Nắm chắc kỹ thuật nuôi, mỗi năm ông thả 2 lứa cá với trên 6000 con, trừ chi phí đầu tư, gia đình ông thu lãi từ 30-35 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ông còn tận dụng các khoảng trống trong vườn để nuôi thêm gia cầm. Hiện tại, đàn gà trên 200 con, trong đó nhiều loại như: gà đẻ trứng, gà cảnh… đã và đang mang lại thu nhập cao.

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế gia đình, ông Tiên còn truyền đạt kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn bà con xung quanh cách nuôi trồng hiệu quả. Hiện mô hình VAC của gia đình ông là điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm của bà con trong và ngoài huyện.  

 Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.