Multimedia Đọc Báo in

Hội Nông dân xã Ea Kênh: Hỗ trợ hội viên nâng cao hiệu quả sản xuất

09:35, 05/05/2015

Xây dựng mô hình cải tạo vườn tạp không chỉ giúp nông dân xã Ea Kênh (huyện Krông Pak) thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa nông nghiệp ổn định, đa dạng mà còn giúp khai thác tiềm năng, thế mạnh tại địa phương.

Xã Ea Kênh hiện có hơn 3.000 ha đất nông nghiệp, trong đó độc canh cây cà phê chiếm diện tích gần 2.000 ha, với năng suất bình quân chỉ đạt 2 tấn/ha. Riêng cánh đồng lúa nước trên địa bàn có diện tích 302 ha hầu hết do đồng bào dân tộc thiểu số canh tác, năng suất bình quân từ 50 đến 60 tạ/ha. Bên cạnh đó, việc sử dụng đất vườn của các hộ dân cũng chưa phù hợp, còn trồng nhiều loại cây tạp, hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Vì vậy, cải tạo vườn tạp để phát triển cây trồng có giá trị kinh tế, góp phần giảm nghèo cho người dân là hết sức cần thiết.

Cán bộ Hội Nông dân xã hướng dẫn anh Y Thêp Bkrông (ngoài cùng bên phải) về kỹ thuật trồng tiêu.
Cán bộ Hội Nông dân xã hướng dẫn anh Y Thêp Bkrông (ngoài cùng bên phải) về kỹ thuật trồng tiêu.

Để tập trung thực hiện tốt việc cải tạo vườn tạp trên địa bàn, đầu năm 2014, Hội Nông dân xã đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi giống cây trồng giai đoạn 2014-2015 và định hướng đến năm 2020. Hội đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong xã đưa nội dung đề án đến với bà con nông dân và xây dựng mô hình điểm về cải tạo vườn tạp tại 5 buôn đồng bào dân tộc thiểu số, làm nền tảng cho việc nhân rộng mô hình ra toàn xã trong những năm tiếp theo. Từ tháng 7-2014, Hội bắt đầu triển khai đăng ký cơ cấu giống, cây, con phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng hộ thực hiện mô hình, sau đó tập huấn về cách làm đất, chăm sóc, tổ chức sản xuất giống theo đăng ký tại vườn ươm tập trung hoặc hộ gia đình tự gieo ươm nếu có đủ điều kiện. Đồng thời, Hội cũng đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dạy nghề của huyện thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật (KHKT), giới thiệu các mô hình làm kinh tế có hiệu quả cao để nông dân học hỏi, áp dụng vào sản xuất. Đối với cây cà phê, Hội khuyến khích bà con nông dân chủ động cải tạo vườn cây già cỗi, năng suất thấp bằng các biện pháp cưa ghép, trồng mới giống cao sản để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Riêng cây hồ tiêu, trong năm 2014, Hội Nông dân xã đã tổ chức 3 lớp tập huấn khuyến nông chuyển giao KHKT về cách trồng, chăm sóc và phòng bệnh. Ngoài ra, cán bộ hội cũng thường xuyên xuống tận nơi hướng dẫn bà con cải tạo vườn tạp theo hướng quy hoạch riêng từng khu vực, trồng các loại cây và chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh môi trường.

Là một trong những hộ đầu tiên tham gia xây dựng mô hình cải tạo vườn tạp tại gia đình, anh Y Thêp Bkrông (buôn Đrao) chia sẻ: “Gia đình có hơn 2 sào đất, trước đây trồng 400 cây cà phê nhưng cho năng suất rất thấp, mỗi năm chỉ thu được khoảng 1 tạ cà phê nhân. Sau khi được các cán bộ Hội Nông dân xã đến tận nhà tuyên truyền, khuyến khích và được tham dự nhiều lớp tập huấn chuyển giao KHKT tôi mạnh dạn đầu tư cải tạo lại diện tích đất vườn để trồng tiêu. Hiện tại, gia đình đã cải tạo đất và trồng được 430 trụ tiêu, giờ chỉ đợi có mưa là sẽ bắt đầu xuống giống”. Cũng như anh Y Thêp, gia đình chị H’Chuôt Ayun (buôn Pôk) được Hội Nông dân xã chọn làm điểm xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng và hỗ trợ hơn 700 cây cà phê giống. Trong quá trình cải tạo vườn, gia đình chị thường xuyên được cán bộ hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật để chăm sóc cây trồng cho năng suất cao. Chị H’Chuôt tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi có 7 sào vườn tạp trồng nhiều loại cây, chủ yếu là cây cà phê nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2014 được Hội Nông dân xã tuyên truyền vận động, gia đình tôi đã tiến hành cải tạo lại vườn, mong sớm cải thiện đời sống”.

Ngoài việc hỗ trợ nông dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi giống cây trồng thì Hội Nông dân xã cũng đang tích cực giúp bà con phát huy thế mạnh về chăn nuôi gia súc, gia cầm gắn với phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản để phục vụ nhu cầu thực phẩm của nhân dân và cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, việc cải tạo vườn tạp ở Ea Kênh còn gặp nhiều khó khăn trong khi phần lớn diện tích đất trồng cà phê được nông hộ nhận khoán từ các công ty trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn giữ tập quán sản xuất nhỏ lẻ nên chưa tạo được vùng sản xuất chuyên canh, lượng hàng hóa sản xuất ra không lớn. Sự thiếu mạnh dạn của nông dân trong việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cùng với khó khăn về vốn đầu tư, KHKT và đầu ra cho sản phẩm cũng là vấn đề cần được sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, các cấp để giúp nông dân yên tâm phát triển kinh tế.

Có thể thấy rằng, tập trung xây dựng mô hình cải tạo vườn tạp trên địa bàn xã Ea Kênh đang góp phần từng bước thực hiện chương trình chuyển đổi giống, cây trồng, ổn định về năng suất cho các loại cây chủ lực trên địa bàn. Ông Hồ Sỹ Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, kế hoạch cải tạo vườn tạp trong toàn xã, từng bước đưa các loại giống mới vào thâm canh sản xuất để đa dạng hóa cây trồng, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa. Đồng thời khai thác, sử dụng hiệu quả diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là đất vườn các gia đình, trước mắt là ở 5 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn”.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.