Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng vùng cam, quýt Cư Elang

10:45, 02/01/2018

Từ một vùng đất nghèo, cằn cỗi, những năm gần đây, xã Cư Elang (huyện Ea Kar) đã có bước đột phá vượt bậc trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến mảnh đất này thành vùng chuyên canh rộng lớn về cây có múi.

Cư Elang là xã thuộc vùng III của huyện Ea Kar, đất đai chủ yếu là đất thịt pha cát, thịt pha sét, đất sỏi cơm nên việc phát triển các loại cây công nghiệp và nông nghiệp ngắn ngày ở đây gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế đem lại rất thấp.

Người dân vùng trồng quýt Cư Elang  đang thu hoạch sản phẩm.
Người dân vùng trồng quýt Cư Elang đang thu hoạch sản phẩm.

Trước những thách thức ở vùng đất khó, những năm gần đây một số người dân địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế một số diện tích trồng cây công nghiệp, hoa màu sang trồng cây ăn quả, chủ yếu là các giống cam, quýt rất phù hợp với vùng đất này, cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng ổn định. Cam, quýt được người dân trồng xen canh trên một đơn vị diện tích và cho thu hoạch quanh năm, vì vậy hiệu quả kinh tế rất cao, bình quân 1 ha trồng xen canh mỗi năm cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Luân (ở thôn 3) cho biết, gia đình ông có 4 ha đất, trước đây trồng cây ngô, sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao, lại rất bấp bênh do hay bị thiên tai, mất mùa… Sau khi tìm hiểu mô hình trồng cam, quýt tại địa phương, ông xuống tận tỉnh Bến Tre để tìm hiểu giống và kỹ thuật, gia đình đã mạnh dạn chuyển toàn bộ sang trồng các loại cây này. Đây là vườn đầu tiên trong vùng được đầu tư trồng với quy mô lớn, gồm các loại cây: cam, quýt, bưởi. Hiện vườn cây của gia đình đã được 5 năm, năng suất bình quân từ 200-250 tấn/ha/năm, mỗi năm gia đình thu về gần 4 tỷ đồng.

Theo HTX nông nghiệp thương mại, dịch vụ, vận tải Thành Công (xã Cư Elang, huyện Ea Kar), trên địa bàn xã có khoảng 500 ha cây trồng có múi, trong đó có hơn 150 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Sản lượng cam, quýt của vùng hiện vẫn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường trong tỉnh. Riêng HTX có 90 ha (trong đó, 50 ha đang cho thu hoạch) của 19 thành viên. Tuy nhiên, với phương pháp canh tác truyền thống, người dân chưa biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất và chất lượng sản phẩm không được ổn định, hay bị thương lái ép giá, nhất là vào chính vụ.

Vườn cam, quýt của ông Trần Văn Luân (ở thôn 3, xã Cư Elang).
Vườn cam, quýt của ông Trần Văn Luân (ở thôn 3, xã Cư Elang).
 

Cư Elang là vùng đất rất có triển vọng để phát triển cây có múi thành vùng chuyên canh rộng lớn. Trong thời gian đến, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ người trồng cây ăn quả vùng này để huyện Ea Kar có thêm sản phẩm mới về cây ăn trái có chứng nhận an toàn thực phẩm, đồng thời sẽ kết nối thương mại, giúp đưa sản phẩm này ra thị trường trong và ngoài tỉnh”

 

 
Ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản

Để phát triển tiềm năng cây ăn trái của vùng đất này theo hướng sản xuất an toàn, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã triển khai mô hình sản xuất cam, quýt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX nông nghiệp thương mại, dịch vụ, vận tải Thành Công, với diện tích 7,8 ha của 8 thành viên. Sau một thời gian triển khai thí điểm, mô hình cam, quýt  sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất ổn định, với tổng sản lượng sản lượng trung bình khoảng 760 tấn/năm; được thương lái đồng ý mua cao hơn giá thị trường 1.000 đ/kg.

Ông Trương Phú Định, Giám đốc HTX Thành Công cho biết, thông qua mô hình này, bước đầu đã giúp người nông dân nắm bắt được quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn nói chung và sản xuất cam, quýt an toàn nói riêng theo tiêu chuẩn VietGAP; nâng cao ý thức của người nông dân trong việc tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn nhờ tuân thủ quy định sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục, đúng liều lượng, bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch…

Theo đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, mô hình sản xuất cam, quýt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP có quy mô rất nhỏ so với diện tích cam, quýt của vùng Cư Elang. Với sản lượng không nhiều nên việc ký kết hợp đồng thương mại với các đơn vị kinh doanh sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nên mất nhiều thời gian, công sức, đồng thời phải chịu chi phí kiểm nghiệm và đánh giá giám sát định kỳ hằng năm dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Chính vì vậy, giá bán không cạnh tranh được so với giá của sản phẩm sản xuất theo phương pháp truyền thống.

Do đó, Chi cục mong muốn, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, địa phương cần bổ sung thêm nguồn kinh phí hỗ trợ nhân rộng mô hình để giá cả cạnh tranh được với sản phẩm sản xuất theo phương pháp truyền thống. Ngoài ra, tỉnh cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm an toàn tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố nhằm giúp cho người tiêu dùng dễ nắm bắt và có điều kiện tiếp cận được với sản phẩm an toàn…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.