Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng lộ trình cho thương mại sản phẩm VietGAP

09:25, 29/01/2018

Thời gian qua, trên địa bàn Đắk Lắk đã xây dựng được khá nhiều mô hình sản xuất đạt chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên, việc kết nối thương mại để tiêu thụ sản phẩm VietGAP vẫn còn nhiều trắc trở.

Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 7 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP, gồm 2 mô hình về nuôi heo, 3 mô hình về rau, 1 về bơ, 1 về cam quýt. Hiện mới có 3 mô hình (nuôi heo của Công ty Cổ phần Sản xuất và thương mại cám Fukoku Tây Nguyên, Doanh nghiệp tư nhân chăn nuôi Hoàng Minh Phát; mô hình rau của Công ty TNHH H.T FARM) có sản phẩm được bày bán tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại TP. Buôn Ma Thuột. Các mô hình còn lại đang tập trung sản xuất để duy trì nguồn hàng ổn định nhằm hướng đến sự kết nối theo chuỗi với các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trên địa bàn.

Sản phẩm cam, quýt ở xã Cư Elang (huyện Ea Kar) được giới thiệu tại Hội nghị kết nối thương mại các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Sản phẩm cam, quýt ở xã Cư Elang (huyện Ea Kar) được giới thiệu tại Hội nghị kết nối thương mại các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Trên thực tế, các sản phẩm VietGAP gặp rất nhiều khó khăn trong việc kết nối thương mại, sản phẩm chủ yếu vẫn phải bán qua thương lái, thậm chí phải bỏ mối cho các chợ truyền thống và giá cả hầu như không có sự khác biệt gì so với sản phẩm thông thường, hoặc nếu có thì cũng cao hơn không đáng kể, không tương xứng với công sức bỏ ra. Bà Trần Thị Hoài Nga, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân chăn nuôi Hoàng Minh Phát cho biết, sau khi được cấp đạt Chứng nhận VietGAP, sản phẩm heo của doanh nghiệp cũng mới bày bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch, với số lượng khoảng 150-200 kg/ngày. Hiện doanh nghiệp đang xúc tiến đưa sản phẩm vào Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, với số lượng 300 kg/ngày. Tuy nhiên bên Siêu thị Co.opmart muốn doanh nghiệp có được sự giới thiệu từ Sở Công thương hoặc Sở NN-PTNT, nếu được vậy họ sẽ đồng ý lấy toàn bộ sản phẩm của Hoàng Minh Phát. Hiện công suất của trang trại đạt 6.000 con/năm, bình quân mỗi tháng xuất chuồng khoảng 500 con, nhưng chỉ có 30-40% sản phẩm là bán theo giá VietGAP, còn lại xuất bán bằng giá heo bình thường (so với giá heo bình thường cao hơn khoảng 5-10 nghìn/kg). Mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là cung ứng thực phẩm sạch tới tay người tiêu dùng với giá ưu đãi nhất. Tuy nhiên người tiêu dùng vẫn còn rất nghi ngờ, e ngại các sản phẩm sạch vì họ chưa hiểu được quy trình sản xuất sản phẩm VietGAP.  Do đó để lấy được lòng tin của người tiêu dùng đòi hỏi phải có thời gian.

Cửa hàng  bán sản phẩm  thịt heo  đạt tiêu chuẩn VietGAP  trên địa bàn  TP. Buôn  Ma Thuột.
Cửa hàng bán sản phẩm thịt heo đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Còn theo HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Vận tải Thành Công, hiện mới chỉ có Khách sạn Mường Thanh (TP. Buôn Ma Thuột) và Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột đặt mua sản phẩm, với số lượng rất ít, bình quân 1 tháng lấy được 4-5 tạ, với giá 18.000 đồng/kg (quýt, cam), 40.000 đồng/kg (bưởi), HTX chịu hóa đơn và vận chuyển đến tận nơi, trong khi sản lượng cam, quýt VietGAP của HTX khoảng 6.700 tấn/năm. Vì vậy sản lượng còn lại đều phải bán cho thương lái bằng giá với cam, quýt thông thường. Hiện tại HTX đang làm mã vạch cho sản phẩm rồi mới dán tem VietGAP để tránh sản phẩm bị trà trộn, giả danh. Trong năm 2018, HTX sẽ xây dựng thêm 1 nhà sơ chế để sản phẩm có bao bì, mã vạch, tem ngay từ nơi sản xuất trước khi xuất đi. HTX Thành Công rất mong muốn có 1 đơn vị, công ty kết nối tiêu thụ dòng sản phẩm này.

 

“Để các sản phẩm VietGAP được thương mại hiệu quả, tỉnh cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ kinh phí, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm an toàn tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố nhằm giúp cho người tiêu dùng dễ nắm bắt và có điều kiện tiếp cận được với sản phẩm an toàn”.

 
 
Ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sản phẩm VietGAP gặp khó khăn trong tiêu thụ. Trước hết là tâm lý của người tiêu dùng, một số đơn vị kinh doanh và các bếp ăn tập thể thích lựa chọn sản phẩm sản xuất theo cách thông thường vì giá thành rẻ hơn, tiêu thụ dễ hơn và có lãi nhiều hơn. Bên cạnh đó, đa số người tiêu dùng hiện nay vẫn còn chưa tin tưởng vào sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vì họ chưa được nghe và hiểu nhiều về quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn. Mặt khác, đa số sản phẩm được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP hiện nay đang tiêu thụ trên thị trường chỉ được chứng nhận chung chung chứ chưa thiết lập nhãn hiệu gắn liền với sản phẩm nên người tiêu dùng còn nghi ngại, chưa tin tưởng vào sản phẩm.

Trước thực tế trên, Chi cục cho rằng, các cơ sở có sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường và thiết lập kênh tiêu thụ vững chắc cho sản phẩm. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu các mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm giúp cho người tiêu dùng hiểu biết, tin tưởng và yên tâm sử dụng sản phẩm. Đặc biệt là tăng cường liên kết giữa các cơ sở sản xuất sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với hệ thống các Trung tâm Thương mại trên địa bàn tỉnh.

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.