Multimedia Đọc Báo in

Các cơ sở giết mổ tập trung hoạt động không hiệu quả: Vì sao?

15:56, 28/02/2018

Toàn tỉnh hiện có 30 lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và 232 điểm giết mổ nhỏ lẻ đang hoạt động. Điều đáng nói là trong khi các điểm giết mổ ngày càng "sống khỏe”, thì các lò giết mổ đầu tư quy mô lại hoạt động cầm chừng...

Từ nhiều năm nay, Đắk Lắk đã có quy hoạch các khu giết mổ tập trung, đây được coi là giải pháp quan trọng trong việc “xóa” các điểm giết mổ nhỏ lẻ; tạo thuận lợi cho công tác kiểm soát vệ sinh thú y trước và sau khi giết mổ, hạn chế dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi... Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến nay phần lớn các huyện, thị xã, thành phố đã có các cơ sở giết mổ tập trung, tuy nhiên hiện chỉ có 30 cơ sở hoạt động, giảm 4 cơ sở so với cuối năm 2016. Trong khi đó, giết mổ nhỏ lẻ tại hộ đang chiếm phần lớn và ngày càng phát triển, với 232 điểm giết mổ có kiểm soát. Ngoài ra, còn khá nhiều hộ tham gia giết mổ nằm rải rác khắp nơi, chưa kiểm soát được, nhất là từ cuối năm 2016 đến nay, do giá heo hơi giảm sâu nên các hộ đã tự “giải cứu” bằng cách mổ tại nhà để mang thịt đi bán.

Đoàn kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn huyện Krông Năng.
Đoàn kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn huyện Krông Năng.

Ông Hồ Văn Thiện, chủ cơ sở giết mổ tập trung xã Ea Toh (huyện Krông Năng) cho biết, cơ sở hoạt động từ năm 2014, nhưng càng làm càng lỗ, do người dân ít mang heo đến lò mổ vì phải trả phí dịch vụ 28 nghìn đồng/con. Nếu trước đây chưa nâng cấp thành lò mổ tập trung thì mỗi đêm mổ vài chục con heo là chuyện bình thường. Sau khi đầu tư, nâng cấp thành cơ sở giết mổ tập trung thì số lượng heo mang đến giảm nhiều, bình quân 1 đêm mổ trên dưới 10 con, ngay cả trong dịp Tết cũng chỉ mổ được 14-15 con/đêm. Chi phí mỗi đêm mất 200 nghìn tiền củi đốt lò, chưa kể tiền nhân công và tiền thuế… Để duy trì hoạt động của cơ sở, ông mong muốn chính quyền cho tăng phí dịch vụ thêm 10.000 đồng/con.

Cũng rơi vào tình trạng tương tự, ông Nguyễn Văn Luận, chủ cơ sở giết mổ ở xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) cho hay, gia đình xây dựng cơ sở này từ năm 2005, đầu tư khoảng 800 triệu đồng với hy vọng sẽ làm ăn tốt,  nhưng thực tế thì ngược lại, bình quân mỗi đêm chỉ mổ được 11-12 con, cao điểm từ 15-16 con, trong khi chi phí 1 đêm là 350 nghìn đồng (chưa tính tiền thuế); thu phí thì chỉ có 25 nghìn/con. Nhìn vào con số cũng đã thấy hoạt động của cơ sở gặp rất nhiều khó khăn…

Đoàn kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y đến kiểm tra Cơ sở giết mổ gia súc tập trung Luận Việt, (xã Cuôr Đăng,huyện Cư M’gar).
Đoàn kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y đến kiểm tra Cơ sở giết mổ gia súc tập trung Luận Việt, (xã Cuôr Đăng,huyện Cư M’gar).

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nguyên nhân khiến các cơ sở giết mổ gia súc tập trung hoạt động cầm chừng là do tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, tự phát rất khó dẹp bỏ. Trong khi người dân đưa gia súc đến các lò giết mổ thì phải trả các khoản phí thuê lò, kiểm tra thú y... nên khi có nhu cầu giết mổ gia súc họ luôn tìm cách “mổ chui” để giảm chi phí. Chính vì số gia súc giết mổ tập trung quá ít nên thu không đủ chi, ảnh hưởng lớn đến việc duy trì hoạt động. Điều này cũng dẫn đến cơ sở vật chất ở các cơ sở giết mổ ngày càng xuống cấp do chủ cơ sở không có kinh phí để đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Theo kết quả kiểm tra, đánh giá, xếp loại các cơ sở giết mổ tập trung của Chi cục năm 2017, trong số 29 cơ sở được kiểm tra không có loại A; 28 cơ sở xếp loại B, 1 loại C.

Trước thực trạng trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tăng cường kiểm tra, rà soát hoạt động giết mổ gia súc ở các điểm nhỏ lẻ, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; khuyến cáo người tiêu dùng khi mua, bán, sử dụng sản phẩm động vật phải có nguồn gốc, có dấu thú y. Chủ trương của tỉnh là vẫn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các lò mổ hiện đại để đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm trong thời kỳ hội nhập. Song, để thu hút được các nhà đầu tư cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, sự phối hợp của các ban, ngành có liên quan trong quá trình thực hiện.

Theo Đề án phát triển chăn nuôi của tỉnh, đến năm 2020, toàn tỉnh đầu tư xây dựng 3 cơ sở giết mổ công nghiệp và 13 cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp tại các trung tâm huyện; di dời 7 cơ sở không bảo đảm vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường về vị trí quy hoạch, cải tạo và nâng cấp 44 cơ sở. Những điểm giết mổ không bảo đảm vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường sẽ bị đóng cửa.

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.