Multimedia Đọc Báo in

Đừng để doanh nghiệp sợ… lớn!

09:48, 01/06/2018

Tại một hội nghị về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gần đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra thông tin: thời gian qua, các doanh nghiệp đang bị thanh tra, kiểm tra rất nhiều. Do đó, nhiều cá nhân, cơ sở kinh doanh không muốn chuyển thành doanh nghiệp, và doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không muốn… lớn!

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ 17-5-2017 chỉ được thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp tối đa một lần trong năm. Tuy nhiên, theo điều tra của VCCI thì có 6% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị thanh, kiểm tra từ 5 cuộc trở lên trong năm. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp và một số doanh nghiệp phải tốn chi phí không chính thức cho cán bộ làm công tác thanh, kiểm tra.  Việc thanh, kiểm tra quá nhiều dẫn đến những khó khăn, phiền phức cho đơn vị bị kiểm tra, nhưng vì mang tâm lý e dè, nhiều doanh nghiệp không dám “tỏ thái độ” mà chỉ biết chấp hành. Lĩnh vực bị thanh, kiểm tra nhiều nhất chính là môi trường, thuế, an toàn thực phẩm… Trong đó, có những lĩnh vực tồn tại tình trạng các văn bản pháp luật chồng chéo, nên gây ra sự lúng túng cho doanh nghiệp và là điều kiện để nhiều đoàn kiểm tra “bắt bẻ” doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn tại huyện MĐrắk. Ảnh: Thanh Hường
Một doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn tại huyện M'Đrắk. Ảnh: Thanh Hường

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp lớn thường bị thanh, kiểm tra nhiều hơn so với các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Có chủ doanh nghiệp than phiền rằng mỗi đợt thanh, kiểm tra là lại tốn thêm những khoản chi phí nằm ngoài kế hoạch, khó thanh quyết toán. Thậm chí có trường hợp lợi dụng danh nghĩa kiểm tra để nhũng nhiễu mà cũng đành chấp nhận. Ông cũng thừa nhận, một số doanh nghiệp muốn giảm chi phí sản xuất, kinh doanh đã lờ đi một số quy định như: bảo hộ cho người lao động, môi trường, điều kiện nhà xưởng sản xuất... Tuy nhiên, những doanh nghiệp hoạt động chân chính cũng không thể tránh được những sai sót và bảo đảm tuyệt đối quy định. Do đó, đa phần doanh nghiệp đều rất sợ việc thanh, kiểm tra dù đột xuất hay có kế hoạch. Có thể nói, công tác thanh, kiểm tra là việc rất cần thiết nhằm phát hiện, khắc phục những sai sót trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thanh, kiểm tra chỉ nên tiến hành khi doanh nghiệp có dấu hiệu cố tình không chấp hành pháp luật. Còn thanh, kiểm tra để lấy cớ “hành” doanh nghiệp thì doanh nghiệp sợ “lớn” là điều dễ hiểu. Và đó cũng chính là điều thiệt thòi lớn cho nền kinh tế.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.