Multimedia Đọc Báo in

Gỡ khó cho kinh tế trang trại: Bắt đầu từ đâu? (Kỳ 2)

09:18, 18/10/2018

Kỳ 2: Giải pháp nào hỗ trợ kinh tế trang trại phát triển?

Trên thực tế đã có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế trang trại nhằm tạo điều kiện cho các chủ trang trại hoạt động, phát triển sản xuất trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn chưa được như mong muốn.

Các chính sách chưa phát huy hiệu quả

Theo Chi cục phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2010-2015, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/2009/NQ-HĐND tỉnh về một số chính sách phát triển kinh tế trang trại tỉnh Đắk Lắk với tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện là 21,7 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2015, số lượng trang trại đạt tiêu chí là 1.930 trang trại, trong đó số trang trại áp dụng công nghệ mới vào sản xuất khoảng 30%. Giải quyết việc làm cho gần 8.700 lao động. 1.200 chủ trang trại được đào tạo, tập huấn. Cơ bản hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại. Tổng giá trị sản lượng nông sản hàng hóa phấn đấu đạt 1.273,8 tỷ đồng. Số trang trại được cấp Giấy chứng nhận tối thiểu đạt 80% tổng số trang trại. Trong đó, hỗ trợ một số nội dung như: quy hoạch phát triển trang trại, hỗ trợ di dời các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, đào tạo và sử dụng lao động, chính sách thuế, áp dụng khoa học công nghệ… Riêng về chính sách hỗ trợ tín dụng các trang trại có đủ tiêu chuẩn quy định theo quy định trong Nghị quyết 06/2009/NQ-HĐND tỉnh thì các trang trại sẽ được hỗ trợ 30% lãi suất tiền vay, thời gian không quá 36 tháng, với mức vay tối đa từ 300 triệu đồng trở xuống.

Trang trại nuôi gà của anh Phạm Văn Chữ (thôn 5, xã Ea Nam, huyện Ea H'leo).
Trang trại nuôi gà của anh Phạm Văn Chữ (thôn 5, xã Ea Nam, huyện Ea H'leo).

Tuy nhiên trên thực tế, kết thúc giai đoạn triển khai Nghị quyết thì tỉnh mới hỗ trợ được gần 1 tỷ đồng để thực hiện một số hoạt động như tập huấn, xây dựng mô hình… Riêng về chính sách hỗ trợ về tín dụng thì không triển khai thực hiện được do không cân đối được nguồn kinh phí. Và từ 2015 đến nay, địa phương chưa có một chính sách riêng cho kinh tế trang trại, nên hiện các trang trại phải loay hoay tự tìm hướng phát triển. Chính vì vậy, nhiều người chưa quan tâm đến việc cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại, do tấm giấy này chưa có giá trị trong việc tiếp cận các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại.

Còn về Nghị Quyết số 03/2000/NQ-CP về kinh tế trang trại của Chính phủ, mặc dù trong đó quy định một số chính sách ưu tiên về đất đai, thuế, đầu tư tín dụng, lao động khoa học, công nghệ, môi trường, thị trường, bảo hộ tài sản đã đầu tư cho kinh tế trang trại… tuy nhiên, chính sách này đã tồn tại từ cách đây gần 20 năm, đến nay nhiều quy định trong văn bản này không còn phù hợp và không phát huy được hiệu quả. Chính vì vậy, kinh tế trang trại cần có một hành lang pháp lý thông thoáng, phù hợp hơn.

Cần chính sách mới để tháo gỡ “nút thắt”

Hiện nay, vướng mắc lớn nhất của các chủ trang trại là đất đai và vốn; do đó, để tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển, tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ trong quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, các cấp, các ngành cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách. Theo các chủ trang trại, họ đều rất mong muốn Nhà nước quan tâm, đẩy mạnh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đơn giản hóa các thủ tục để các chủ trang trại yên tâm đầu tư sản xuất. Các ngân hàng cũng cần tạo điều kiện vay vốn thuận lợi và tăng cường cho vay tín chấp thay bằng thế chấp với số vốn lớn và dài hạn.

Để hóa giải những vướng mắc cho kinh tế trang trại, năm 2015, Bộ NN-PTNT đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Dự thảo Quyết định này gồm những chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại như: hỗ trợ thành lập khu trang trại; hỗ trợ về đất đai, xây dựng hạ tầng, nhân lực kỹ thuật, áp dụng khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại... Tuy nhiên, đến nay dự thảo này vẫn còn đang xem xét, chưa được Chính phủ thông qua

Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, trong khi chờ chính sách mới dành cho kinh tế trang trại từ Trung ương, Chi cục cũng đã kiến nghị và đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh việc rà soát và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại để tạo điều kiện cho họ yên tâm sản xuất; có chính sách cụ thể khuyến khích việc dồn điền đổi thửa, tập trung ruộng đất…; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ trang trại được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đề nghị cấp huyện đẩy nhanh tiến độ cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT quy định về tiêu chí và thủ tục cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Theo Chi cục phát triển nông thôn, tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 294/964 trang trại được cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại, chiếm tỷ lệ 30,5%. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận kinh tế trang trại chỉ là điều kiện đủ trong hồ sơ để vay vốn ngân hàng, bởi hiện nay chưa có chính sách nào hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho các trang trại đã được chứng nhận được thực hiện.

Minh Thuận - Thùy Dung

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.