Multimedia Đọc Báo in

Hương sả trên vùng đất cằn

15:11, 04/11/2018

Trên vùng đất cằn trơ sỏi đá, nhiều nông dân xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) chọn trồng cây sả và họ đã thành công.

Anh Nguyễn Văn Sử (thôn Tân Phú) - một trong những hộ tiên phong trồng sả - cho biết, 12 năm nay nếu không nhờ cây sả thì gia đình cứ khổ mãi. Nhà anh Sử có hơn 2 ha đất, trong đó có 2 sào đất cằn, trồng cây gì cũng không “thọ”. Năm 2005, thấy một hộ dân trong xã Ea Nuôl trồng sả trên đất toàn đá với sỏi mà cây vẫn sống, củ to, chắc nên anh mua giống về trồng thử. Từ khi xuống giống đến thu hoạch, anh chỉ tốn công làm cỏ và bón ít phân, còn lại để cây “tự sống”. Vậy mà cây sả “hạp” đất, liên tục đẻ nhánh tạo thành bụi lớn. Trồng 6 tháng, cây sả cho thu lứa đầu được 20 triệu đồng. Nhận thấy cây sả dễ trồng, chi phí đầu tư ít, chịu được hạn nên anh mạnh dạn trồng xen sả vào 2 ha tiêu, cà phê trong vườn. Anh Sử cho hay, sả thuộc loại cây sống lâu năm, thu xong đợt đầu, ta tiếp tục làm cỏ, bón phân, tưới nước là cây đâm chồi phát triển lại. Trung bình một năm, vườn sả cho thu từ 3-4 đợt, mỗi đợt hơn 10 tấn củ/ha. Với giá bán dao động từ 4-5 nghìn đồng/kg, mỗi năm anh Sử thu về từ 80-100 triệu đồng. Nhờ có nguồn thu từ cây sả, anh Sử có tiền để đầu tư lâu dài cho vườn tiêu, cà phê cũng như trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Người dân xã Ea Nuôl thu hoạch  sả củ.
Người dân xã Ea Nuôl thu hoạch sả củ.

Ngoài việc làm gia vị cho các món ăn hằng ngày, sả còn được dùng trong y học như một loại thảo dược tốt cho sức khỏe, là liệu pháp chăm sóc sắc đẹp cho phụ nữ… Đặc biệt, tinh dầu sả còn là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, phục vụ cho ngành thực phẩm, dược phẩm, kỹ nghệ mỹ phẩm.

Tương tự, gia đình chị Lò Thị Hạnh (thôn Hòa Nam) cũng thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ 2 ha sả. Đất nhà chị Hạnh toàn đá cục, một năm chỉ làm được một vụ vào mùa mưa nhưng trồng đậu, bắp, sắn… cây gì cũng còi cọc, chậm lớn. Dù tốn bao nhiêu phân bón, năng suất thu về cũng thấp nên chị Hạnh đã phải để đất trống một thời gian. Mùa mưa năm 2012, chị trồng thử cây sả. Nhờ nước trời đất mềm, cây sả bén rễ, sinh sôi phát triển phủ kín diện tích đất đá lởm chởm. Theo chị Hạnh, thời điểm xuống giống sả tốt nhất là vào đầu mùa mưa, đến đầu mùa khô sẽ cho thu hoạch. Nếu trồng, chăm sóc tốt, cây sả có thể cho thu hoạch 3-4 năm mới phải trồng lại. Muốn vậy, ta phải chọn giống sả tốt, tép to, không bị bệnh. Mùa nắng cần tưới nước thường xuyên cây mới cho củ to, năng suất cao.

Cây sả phát triển tốt trên đất khô cằn.
Cây sả phát triển tốt trên đất khô cằn.

Thấy nhiều người “sống khỏe” với cây sả, chị Đoàn Thị Huệ (thôn Tân Phú) liền xuống giống 1 ha vào đầu mùa mưa năm nay. Hiện vườn sả nhà chị đã đẻ nhánh phát triển mạnh, chuẩn bị cho thu hoạch. Chị Huệ không trồng sả theo phong trào mà có sự quan sát, tìm hiểu kỹ. Chị chia sẻ, với vùng đất trơ sỏi đá, “mưa chưa dứt nắng đã cháy đầu” thì chỉ có cây sả mới trụ nổi. Hơn nữa, một năm 1 ha sả cho thu lời 50-70 triệu đồng là cao hơn nhiều so với trồng các loại hoa màu khác, thậm chí cao hơn điều, tiêu, cà phê. Về giá sả, hiện tại thương lái đang thu mua 4,4 nghìn đồng/kg củ sả tươi. Sả cắt xong, 3 giờ chiều sẽ có người đánh xe tải tới tận nơi cân chở, trả tiền. Còn lâu dài, nếu giá có rớt xuống mức 2-3 nghìn đồng/ký thì nhà nông vẫn không lỗ. Chưa kể trên địa bàn xã hiện nay đã có công ty chế biến tinh dầu sả đang hoạt động. Họ mua “rác” sả (gồm lá, thân rễ sau khi cắt củ) với giá 1 nghìn đồng/kg nên chị không lo lắng lắm về đầu ra cho cây sả.

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.