Multimedia Đọc Báo in

Nghĩ về văn hóa cà phê

07:12, 13/01/2019

Một trong những nội dung quan trọng của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 – 2019 diễn ra vào trung tuần tháng 3 sắp tới là động viên, khuyến khích cộng đồng chung tay vun đắp cho sự phát triển văn hóa cà phê Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Để đạt được mục tiêu đó, cần phải hiểu và nhận diện hình thái đặc trưng của “văn hóa cà phê” ở đây là gì, nó được cấu thành từ những yếu tố nào để tạo ra sức hút và sự lan tỏa trong cộng đồng xã hội? Câu hỏi này đã được đặt ra từ những kỳ lễ hội trước và luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng sản xuất, kinh doanh cà phê cùng nhiều nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa có uy tín và tâm huyết trên cả nước.

Trình diễn công đoạn rang xay cà phê tại Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên.
Trình diễn công đoạn rang xay cà phê tại Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên.

Nhiều người cho rằng, ở Đắk Lắk cà phê được xem như “hàn thử biểu” để đo đếm mức độ “nóng lạnh” của đời sống hàng ngày. Có thể nói câu chuyện “ăn ngủ” với cà phê và những gì liên quan đến loại cây trồng chiến lược này đều được mọi người hết mực quan tâm – từ trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, xuất khẩu cho đến cập nhật giá cả, thị trường giao dịch… đã tạo nên đời sống đậm đặc không khí cà phê trên vùng đất này. Tuy nhiên, liệu tất cả những điều đó có đủ sức làm nên khái niệm, hay nói gần hơn là giá trị “văn hóa cà phê” trong đời sống cư dân vốn gắn bó mật thiết với cà phê như Đắk Lắk hay không?

Mỗi dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức là thêm một lần câu chuyện về cà phê được lan tỏa; giá trị văn hóa cà phê được thẩm thấu, nhìn nhận và nghiên cứu sâu sắc hơn...

Bà Tôn Nữ Thị Ninh – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã có lần phát biểu tại Hội thảo “Hiện thực hóa Thiên đường Cà phê Buôn Ma Thuột” do Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên phối hợp với Hiệp Hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hồi đầu năm 2011 rằng: Đó chỉ là phần dễ nhìn thấy của một tập hợp giá trị để làm nên diện mạo văn hóa ấy. Còn cội rễ vấn đề phải bắt đầu từ đời sống của hàng vạn nông hộ trực tiếp sản xuất cà phê. Có nghĩa họ là chủ thể quan trọng và quyết định trong quá trình hình thành nên hình thái văn hóa trên. Theo bà Ninh, các danh xưng như “Thiên đường cà phê”, “Thủ phủ cà phê” hay “Điểm đến cà phê thế giới”… chưa hẳn đã hàm chứa trong đó giá trị văn hóa đầy đủ, đúng nghĩa nếu như đời sống của người làm cà phê ở đây không có gì khác biệt và độc đáo. Bởi nói một cách rốt ráo thì bất kỳ vốn văn hóa nào cũng được thừa nhận, tôn vinh bởi sự khác biệt và độc đáo hàm chứa trong đó.

Nhiều nhà nghiên cứu khoa học, nhân sĩ và chuyên gia hoạt động trên những lĩnh vực liên quan tỏ ra đồng thuận với cách nhìn nhận này. Tất cả đều cho rằng, phải tập trung mọi nguồn lực để đầu tư có chiều sâu và bền vững cho hàng vạn nông hộ sản xuất cà phê trên địa bàn, để làm sao khi nhìn vào đó, ai cũng nhận ra đời sống của cộng đồng làm cà phê ở Đắk Lắk có nét khác biệt, độc đáo so với cư dân các vùng miền khác trong sinh hoạt, sản xuất, hưởng thụ cũng như tâm tư, tình cảm được lắng đọng, kết tinh từ đời sống thực tiễn của mình.

Hy vọng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 – 2019, mối quan tâm, tôn vinh cộng đồng làm cà phê ở đây sẽ được tiếp tục phát huy bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tạo nên đời sống văn hóa cà phê thật sự trên vùng đất Đắk Lắk. Đời sống ấy chắc chắn sẽ có được một khi điều kiện, cơ hội và cả thái độ của cộng đồng vốn gắn bó mật thiết với cà phê được xác lập, liên kết bền vững trên cơ sở Nhà nước – doanh nghiệp – người  nông dân cùng tham gia. 

                                                                                      Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.